BTO- Còn hơn tuần nữa là đến rằm Trung thu, nhưng nhiều đoàn lân - sư - rồng ở thành phố Phan Thiết đã kín lịch diễn nhiều tuần trước và đang tập luyện tích cực để biểu diễn trong dịp tết Trung thu sắp tới.
Anh Trần Văn Vũ, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Nam Hoa thuộc Hội quán Phúc Kiến cho biết, đoàn của anh có khoảng 30 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 12 đến 27 tuổi) bao gồm cả nữ. Hiện nay, tất cả đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị biểu diễn trong dịp tết Trung thu. Được biết, công việc múa lân diễn ra quanh năm, từ các show lẻ như: múa đám cưới, khai trương, khánh thành, khởi công đến các sự kiện lớn trong năm như dịp lễ, hội... Tuy nhiên, các đoàn lân thực sự bận rộn nhất trong dịp tết Nguyên đán và tết Trung thu vì nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn. Anh Vũ chia sẻ: “Trong những dịp này, 12 đầu lân, 6 đầu rồng, 2 đầu sư và 17 trống của đoàn luôn hoạt động hết công suất. Khách hàng của đoàn thường là các trường học, khu du lịch, resort… Hiện nay, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời mời đi diễn trong dịp Trung thu từ 13 đến 15AL, đa phần là các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Phan Thiết”.
|
|
Đội lân sư rồng Nam Hoa biểu diễn ở các trường học dịp trung thu |
Đoàn lân - sư - rồng Quảng Đông do ôngChâu Phú Cường phụ trách cũng đang tất bật chuẩn bị đồ nghề biểu diễn, luyện tập. Những ngày qua, đoàn của ông cũng nhận được nhiều lời mời múa phá cỗ, biểu diễn tại các trường học, sở, ban, ngành... Và đặc biệt, đội lân này sẽ biểu diễn trong lễ hội rước đèn của thành phố Phan Thiết, một trong những lễ hội rước đèn trung thu lớn nhất nước. Theo ông Cường, chi phí đầu tư đồ nghề biểu diễn khá tốn kém; định kỳ lại phải thay trống, đầu lân, trang phục, mang lại sự mới mẻ cho người xem. “Mục đích chính của hoạt động này là thỏa mãn đam mê, mang lại niềm vui cho mọi người. Hầu hết anh em trong đoàn rất tâm huyết với nghề, vì vậy họ luyện tập thường xuyên mong đem lại tiết mục hấp dẫn cho các em thiếu nhi khi Trung thu về...” – ông Cường nói.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Phan Thiết có khoảng 10 đội lân như: Quốc Cường Đường, Quốc Nghĩa Đường, Lâm Anh, Tân Minh... Bên cạnh đó còn có các câu lạc bộ do những nhóm trẻ tự lập tham gia biểu diễn. Thông thường, các đoàn này diễn liên tục 3 đến 4 ngày trong dịp tết Trung thu với nhiều tiết mục hấp dẫn như: lân phá cỗ, lân - sư giao đấu, lân múa mai hoa thung, lân leo sào, rồng leo trụ... Trong đó, múa mai hoa thung được xem là một trong những tiết mục đặc sắc nhất, thu hút nhiều người xem vì độ khó của nó. Ở tiết mục này, các con lân vừa múa, vừa bước đi trên những cây cột có độ cao từ 80cm đến 3m xếp từ thấp đến cao với chiều dài 15m, bề ngang 80cm. Độ khó nằm ở chỗ hai võ sĩ phải thực hiện các động tác phức tạp, nguy hiểm giữa đầu lân và đuôi lân. “Tiết mục mai hoa thung thường được nhiều nơi mời múa trong các dịp lễ hội lớn. Để thực hiện được tiết mục này, người múa cần ít nhất vài năm kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, người múa, người đánh trống... cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn. Riêng Tết trung thu, các đoàn thường đánh trống, múa lân, rồng với những kỹ thuật đơn giản hơn… chủ yếu tạo không khí vui tươi, sôi nổi ở các trường học” - anh Trần Văn Vũ cho biết thêm.
Hàng năm, phần lớn các trường tiểu học, THCS đều tổ chức lễ hội cho học sinh nhân dịp tết Trung thu, trong đó múa lân là phần không thể thiếu. BGH Trường Tiểu học Phú Tài nhìn nhận: “Múa lân - sư - rồng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp học sinh hiểu thêm về ngày hội văn hóa cổ truyền của dân tộc nên từ sớm, nhà trường đã liên hệ các đoàn lân mời biểu diễn tại trường vào tối 13 AL tới”.
M.Vân