BT- Suối Tiên là một địa chỉ du lịch được khá nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm mỗi khi đến với Hàm Tiến – Mũi Né. Thế nhưng thời gian gần đây, dòng suối này bỗng chuyển sang đục màu và có mùi hôi khó chịu khi trời nắng nóng.
Trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ |
Nước xả thải không qua xử lý của Công ty Thiện Mỹ |
Là hộ dân nhiều năm canh tác nông nghiệp từ khu đất đầu nguồn suối Tiên – thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp, bà T.T.H cho biết: Trước đây, gia đình bà thường sử dụng nguồn nước từ suối Tiên chảy ra để tưới cây trồng. Thế nhưng từ khi Công ty TNHH Mỹ Đoàn (nay là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ) đi vào nuôi cá sấu từ năm 2007, nước thải nuôi cá trực tiếp xuống suối khiến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng. Bà H cho biết thêm: “Trước đó dòng suối này rất trong, bà con thường xuống suối tắm rửa. Vậy mà giờ bước chân xuống cũng không dám vì sợ ngứa ngáy…”.
Cũng là một hộ dân có đất ngay sát khu vực Công ty Thiện Mỹ, ông H.V.H cho biết, vào những lúc đêm khuya, hoạt động xả thải từ trang trại nuôi cá sấu này tăng cường mật độ. Dòng nước ở suối Tiên trong những thời điểm nói trên chuyển sang đục và có mùi hôi, vô cùng khó chịu.
Được biết, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ do bà Nguyễn Thị Mỹ, tạm trú tại khu phố 9, phường Mũi Né làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty này là chế biến hải sản và nuôi cá sấu tại thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp. Tại thời điểm tháng 8/2015, công ty này có diện tích nuôi cá sấu là hơn 17.000 m², với 3.540 cá sấu lớn nhỏ được nhốt trong 50 chuồng nuôi. Mặc dù Công ty Thiện Mỹ đã đăng ký hoạt động từ năm 2007, thế nhưng tính đến thời điểm này, công ty vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải nuôi cá sấu theo như bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND TP. Phan Thiết. Bên cạnh đó, công ty này cũng không không thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần gửi về Phòng Tài nguyên – Môi trường Phan Thiết như quy định. Nước thải trong quá trình nuôi cá sấu được Công ty Thiện Mỹ xử lý như sau: Tất cả chuồng nuôi đều có bể nước để nuôi cá, mỗi bể có thể tích khoảng 3m3 nước; thông thường từ 7 - 20 ngày thì thay nước, vệ sinh chuồng trại một lần. Khi vệ sinh, thay nước thì nước thải theo ống nhựa Ø60 dẫn vào các hố ga ở 4 dãy chuồng, sau đó theo ống nhựa Ø120 chảy ra 3 ao sau trang trại mà không qua xử lý. Và cả 3 ao nước này đều kết cấu bằng đất, không chống thấm. Chính từ nguồn nước thải này đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng nước suối Tiên và môi trường sống của các hộ dân xung quanh.
Từ ngày trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ đi vào hoạt động, người dân sống dọc dòng suối Tiên, đặc biệt là hơn 30 hộ sống ở đầu nguồn liên tục kiến nghị chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm. Qua thực tế, nhiều đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, thành phố thanh tra hoạt động của trang trại này và phát hiện xử lý nhiều lỗi vi phạm. Trong đó, đáng lưu ý đến nay công ty này vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải dù hàng ngày trang trại tiếp nhận khoảng 300 kg cá để làm thức ăn cho khoảng 3.540 con cá sấu.
Mới đây, vào chiều 22/9, lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết cùng với các ngành chức năng đã đi kiểm tra thực tế tại trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ và khảo sát nguồn nước bị ô nhiễm tại Suối Tiên. Trước mắt, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu 2 địa phương Thiện Nghiệp và Hàm Tiến cần có biện pháp tuyên truyền, vận động Công ty Thiện Mỹ thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Nếu phía công ty cố tình không thực hiện, lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết sẽ căn cứ mức độ vi phạm thực tế để quyết định hướng xử lý kiên quyết tiếp theo.
Ngoài những hộ sản xuất nông nghiệp ở đầu nguồn bị ảnh hưởng bởi nguồn xả thải gây ô nhiễm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ, thì khu vực suối Tiên còn là địa điểm du lịch trọng điểm ở Hàm Tiến – Mũi Né. Nhiều du khách khi tham quan dòng suối này cũng cho biết chất lượng nước không còn mát mẻ, trong xanh như trước đây. Điều này dễ hiểu bởi thượng nguồn con suối đang tồn tại một trang trại nuôi cá sấu quy mô lớn, mà chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
CHÂU TỈNH