Bài 1: Cài chân rết ở các vựa
BTO - LTS: Thời gian gần đây, giá thanh long trên thị trường Bình Thuận có nhiều diễn biến bất thường, buổi sáng giá này, buổi chiều giá khác. Sự bất bình thường này làm điêu đứng cả người trồng và người mua, bán thanh long. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Bình Thuận đã tìm ra những chiêu trò “ép giá” của thương lái Trung Quốc.
Không phải đến bây giờ thương lái Trung Quốc mới có mặt tại Bình Thuận để mua thanh long. Khoảng 8 năm trước, họ đã đến để đặt hàng, thu mua và làm ăn rất có uy tín, buôn bán sòng phẳng…
Ồ ạt mở vựa thu mua
Là một trong những người đầu tiên xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc, anh T, chủ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn tại Bình Thuận vẫn còn nhớ “cách chơi đẹp” của thương lái Trung Quốc vào những năm 2008 – 2009. “Khi đó, họ qua đây chỉ một hai lần để tìm hiểu thị trường và tìm nguồn cung cấp hàng mà thôi. Còn sau đó hai bên liên hệ buôn bán với nhau qua điện thoại. Muốn mua bao nhiêu thì thương lái Trung Quốc gọi điện báo cho mình và chuyển một phần tiền qua gọi là đặt cọc. Vào mùa chong đèn, tiền cọc mà đối tác phía Trung Quốc chuyển qua có khi đến 2/3 giá trị chuyến hàng. Khi đó đóng thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không sợ bị ép như hiện nay”, anh T cho biết. Nhưng sau này, cả thương lái Trung Quốc và người Việt tham gia buôn bán trái thanh long ngày một nhiều hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng tranh mua, giành bán. Các thương lái Trung Quốc trước đây bắt đầu “tung chiêu” thâu tóm các vựa thanh long.
Quá đuối sức, một cơ sở thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam đang cho thuê lại vựa.
|
Còn nhớ những năm 2011 – 2012, phong trào mở vựa thanh long phát triển ồ ạt. Có những nông dân trúng vài vụ thanh long chong đèn đã có vốn nên họ bắt đầu mở vựa thu mua. Thậm chí có chủ vựa xuất thân là “cò” thanh long, ít kinh nghiệm buôn bán cũng liều mở vựa.