BT- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thanh long chính vụ dồn ứ, giá rẻ tại Bình Thuận. Trước thực tế đó, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hữu Thủ (ảnh) - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng trên?
Ông Phạm Hữu Thủ: Vào chính vụ, ngoài sản phẩm thanh long, nhiều loại trái cây khác cũng trong mùa thu hoạch nên sản lượng trái cây dồi dào. Mặt khác ngay ở trong nước, đã có trên 53 tỉnh, thành phát triển thanh long, nhất là Long An và Tiền Giang với diện tích trên 10.000 ha. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc và các nước khác hiện đang phát triển diện tích thanh long khá lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Ngay tại Bình Thuận, diện tích thanh long tiếp tục phát triển. Do đó, sản lượng thanh long chính vụ trở nên dồi dào, dẫn đến thanh long bị dồn ứ, khả năng tiêu thụ giảm là điều khó tránh khỏi.
Ảnh: N.L |
Những khó khăn trong công tác quản lý (về diện tích, sâu bệnh) trên thanh long hiện nay là gì, thưa ông?
Theo quy hoạch phát triển thanh long, đến năm 2015 toàn tỉnh quy hoạch 15.087 ha. Nhưng đến thời điểm này diện tích thanh long toàn tỉnh 26.000 ha, vượt quy hoạch hơn 10.000 ha. Nguyên nhân, người dân tiếp tục trồng thanh long là do hiệu quả sản xuất thanh long vẫn hơn hẳn so các cây trồng khác, nhất là lúa. Mặc dù giá thanh long có lúc lên xuống thất thường, nhưng tính bình quân cả năm vẫn có hiệu quả cao so các cây trồng khác. Vì vậy, người dân tiếp tục phát triển thanh long ồ ạt, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, trước tình trạng phát triển nhanh diện tích thanh long những năm gần đây nên tình hình sâu bệnh diễn ra hết sức phức tạp, nhất là bệnh đốm nâu trong mùa mưa. Cụ thể, đến cuối tháng 8/2015, toàn tỉnh có khoảng trên 8.000 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, hiện nay chưa có thuốc đặc trị, gây ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất của trái thanh long, người dân buộc phải tiêu hủy thanh long bị bệnh đốm nâu.
Trước những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp& PTNT đã có những giải pháp gì? Khuyến cáo đối với nông dân trồng thanh long?
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc sở triển khai một số giải pháp. Trong đó, khuyến cáo nông dân không phát triển ồ ạt diện tích thanh long mà tập trung nâng cao sản xuất thanh long theo hướng bền vững (VietGAP) để nâng cao chất lượng. Đồng thời đề nghị các huyện quản lý chặt chẽ việc phát triển về diện tích thanh long trên đất lúa. Hiện nay, sở đang điều chỉnh quy hoạch thanh long đến năm 2020, định hướng 2025 trình UBND tỉnh xem xét...
Về tiêu thụ sản phẩm thanh long, Sở Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhất là các tỉnh, thành phố phía Bắc. Mặt khác, đề nghị Sở Công Thương kết nối các doanh nghiệp thu mua, sơ chế thanh long với các chợ đầu mối để liên kết trong vấn đề tiêu thụ thanh long. Hiệp hội Thanh long phát huy hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân sản xuất thanh long để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất thanh long theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh đốm nâu để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người trồng thanh long. Hướng dẫn người dân khai thác đúng mức để nâng cao sức đề kháng của cây. Nhất là hiện nay đang chuẩn bị bước vào vụ chong đèn; chuẩn bị tốt về phân bón, chăm sóc trước khi chong đèn. Song song đó, không được chủ quan trước bệnh đốm nâu trên thanh long.
Xin cám ơn ông!
Kiều Hằng (thực hiện)
No comments :
Post a Comment