BT- Những năm gần đây, tội phạm mua bán người ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Bọn buôn người lợi dụng đường biên giới mở, thủ tục xuất nhập cảnh thông thoáng, thuận lợi, một số nước miễn thị thực visa, để tổ chức đưa người sang Trung Quốc, Malaysia, Singapore… dưới dạng du lịch, thăm người thân, lao động. Số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài ngày càng nhiều, và trong đó tiềm ẩn cả nguy cơ phát sinh tội phạm buôn người. Chỉ trong nửa đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 150 vụ mua bán người, cơ quan chức năng đã giải cứu được 499 nạn nhân, hầu hết là phụ nữ, trẻ em. Nhưng không phải ai cũng có may mắn ấy, bởi nạn nhân của bọn buôn người thường “đi dễ khó về”.
Tỉnh Bình Thuận không có đường biên giới chung với các nước, nhưng tình hình dân cư có nhiều biến động, số dân di cư tự do từ phía Bắc vào cư trú rất đông, nhưng việc đăng ký quản lý nhân khẩu còn bất cập. Số người vắng mặt tại địa phương không rõ lý do xảy ra nhiều, nhưng chính quyền địa phương không nắm chắc được. Cùng với sự phát triển mạnh du lịch – dịch vụ, số phụ nữ, trẻ em từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến hành nghề tiếp viên cho các nhà hàng, khách sạn, cà phê giải khát rất đông.
Gần đây, một số đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh ra Bình Thuận núp dưới hình thức: tìm kiếm, môi giới việc làm, dịch vụ hôn nhân… rủ rê, lôi kéo phụ nữ vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để cho người nước ngoài “xem mặt chọn vợ”, hoặc “tuyển công nhân ra nước ngoài lao động”. Bọn buôn người thường thông qua sự quen biết của bạn bè, người thân, lợi dụng các trang mạng xã hội, hoặc điện thoại để kết bạn, rủ rê. Chúng hứa hẹn những công việc và mức lương “nằm mơ không thấy” để dụ dỗ, lôi kéo các phụ nữ nhẹ dạ cả tin, đang thiếu việc làm và mong muốn ra nước ngoài làm việc để đổi đời…
Theo thống kê, năm 2011 có 2 trường hợp phụ nữ Bình Thuận nghi bị mua bán (trong đó có 1 trường hợp tự trở về, sau đó lấy chồng, sinh sống tại Trung Quốc), 2 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp (đã bỏ trốn, trở về địa phương).
Năm 2012 xảy ra trường hợp 1 phụ nữ Bình Thuận bị dụ dỗ qua Malaysia ép làm gái bán dâm.
Năm 2014 có 1 phụ nữ (ở La Gi) bị dụ dỗ qua Malaysia ép làm gái bán dâm; một vụ (7 đối tượng) dụ dỗ, lôi kéo đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc.
Nửa đầu năm nay thêm 1 phụ nữ Bình Thuận bị dụ dỗ đưa qua Malaysia ép làm gái bán dâm.
Tưởng rằng ra nước ngoài được đổi đời, nhưng ra đến nước ngoài nhiều nạn nhân bị bọn buôn người ép bán ngay vào các động mại dâm, hoặc bắt kết hôn bất hợp pháp. Họ bị bóc lột sức lao động, tình dục, bị mua bán trao tay như những món hàng, bị giữ hết tiền bạc, giấy tờ và giám sát chặt chẽ, để muốn trốn thoát, hồi hương cũng khó. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân muốn về nước thì gia đình phải trả một khoản tiền chuộc rất lớn. Nhiều nạn nhân sau khi trở về được đã bỏ đi khỏi địa phương, do những mặc cảm nặng nề, khiến việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng không thực hiện được.Để chặn đứng tội phạm mua bán người đang trên đà gia tăng, cơ quan chức năng cần điều tra, phát hiện, triệt phá được các đường dây, ổ nhóm hoạt động của chúng. Nhưng quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, để người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của bọn tội phạm này. Thay đổi quan niệm lấy chồng nước ngoài để “đổi đời” còn khá phổ biến trong nhiều gia đình, phụ nữ, trẻ em gái ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Đặng Dũng
No comments :
Post a Comment