BT - “Việt Nam lấy làm quan ngại về việc Indonesia đánh chìm các tàu cá”, những lời ấy làm tai Huỳnh Thị Lệ My, ngụ tại khu phố 8, phường Phước Hội (thị xã La Gi) cảm thấy lùng bùng. Trước mặt chị, Đài Truyền hình Việt Nam đang phát đi bản tin tối, trong đó nhắc lại lời của một quan chức Bộ Ngoại giao nước ta trước việc Indonesia cho nổ những chiếc tàu cá xâm phạm lãnh hải, đánh cá trái phép sau khi có lệnh của tòa án nước họ.
Trần Minh Tú, thuyền viên của tàu BTH -96782-TS được Indonesia thả về và Trần Mai Tâm chủ của 2 con tàu.
|
Thuyền bị đánh đắm, người bị giam
Ngồi một mình trong căn nhà một mái lợp tôn, mắt nhìn lên màn hình, song trí não người phụ nữ sinh năm 1974 lại hướng về người đàn ông cùng năm sinh là chồng chị đang ở Indonesia. Thẫn thờ kéo dài cho đến lúc kết thúc bản tin, người phụ nữ ấy bật lên tiếng kêu “anh ơi” rồi nước mắt cứ trào ra khóe mi!
Ngày 18/8 Indonesia tiếp tục đánh chìm 34 tàu cá nước ngoài với cáo buộc đánh bắt trái phép trong hải phận nước này. Theo AFP, 34 tàu này là của ngư dân các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
|
Người phụ nữ nhớ rất rõ vào đầu tháng 4/2013, Nguyễn Văn Hương, chồng chị đang ở nhà chờ việc thì được ông Dương Văn Mười, chủ tàu cá BTH- 96751- TS ở Phú Hài (Phan Thiết) thuê làm tài công đi đánh bắt xa bờ. 8 ngày sau, có tin Hương và toàn bộ lao động trên tàu cá bị tàu tuần duyên của Indonesia bắt khi đang đánh cá tại một hòn đảo của nước họ. Vì là tài công, Hương bị Indonesia giam trong nhiều tháng trước khi đưa ra tòa, kết án 4 năm 6 tháng, rồi giam tại trại 18 đảo Tân Dung Bi. Từ ngày chồng ngồi tù, Lệ My gởi đơn đi nhiều nơi, kể cả Bộ Ngoại giao Việt Nam rồi được Cục Lãnh sự trả lời bằng Công văn số 2266/CV-LS-BHCD, ngày 20/7/2014, đại ý: “Trong thời gian gần đây nhiều thuyền của Việt Nam cố ý vào sâu trong vùng biển của Indonesia đánh bắt hải sản quý hiếm. Phía Indonesia cho biết, họ không xem xét các đơn xin giảm án của các công dân Việt Nam nhằm thực hiện bảo vệ nguồn lợi hải sản của nước họ…”.