Thursday, September 17, 2015

Tàu Hưng Phát 26 hoạt động, chấm dứt tình trạng ùn ứ khách

BTO- Kể từ khi tàu trung tốc Hưng Phát 26 chạy tuyến Phan Thiết – Phú Quý đi vào hoạt động (11/9), đã không còn tình trạng ùn ứ khách.
Ông Nguyễn Thanh Nhanh – chủ tàu Hưng Phát 26 cho biết: 5 chuyến đầu tiên, mỗi chuyến có khoảng hơn 100 khách; riêng chuyến ngày 14/9 có trên 200 khách. Hành trình từ Phan Thiết ra Phú Quý mất khoảng 3 – 3,5 giờ, tùy thời tiết. Tàu khách Hưng Phát 26 chạy tuyến Phan Thiết – Phú Quý có trọng tải hơn 48 tấn, sức chứa 250 hành khách, 30 tấn hàng, chạy được gió cấp 8. Kinh phí hoàn thành tàu này trên 50 tỷ đồng. Theo đăng ký với ngành chức năng, tàu trung tốc Hưng Phát 26 sẽ chạy khoảng 300 chuyến trong một năm. Mỗi ngày tàu Hưng Phát đều xuất bến, trừ những lúc gió, bão. Như vậy, so với tàu Bình Thuận 16, Bình Thuận 18, Quê Hương 02 và Phú Quý 07 thì tàu Hưng Phát 26 chạy nhanh hơn khoảng 3 giờ. Giá vé của tàu Hưng Phát là 250.000/người đối với ghế và giường nằm bên ngoài, trong phòng giá 350.000/người. “Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nghiêm luật giao thông đường thủy, đảm bảo tốt mỗi chuyến chạy tàu, đem lại cảm giác an toàn cho hành khách”, ông Nhanh cho biết thêm.
 T.H

Đoàn Famtrip quốc tế khảo sát du lịch tại Bình Thuận

BT- Trong 3 ngày (từ 12 đến 14/9), đoàn Famtrip quốc tế khảo sát du lịch đã đến tham quan, khảo sát và trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận như Đồi cát bay Mũi Né, “thủ đô resort” Hàm Tiến, Khu du lịch Tà Cú, Khu du lịch Bàu Trắng, Sealink resort… Đoàn cũng đến tìm hiểu dịch vụ lưu trú, buồng phòng, ẩm thực tại một số khách sạn, resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng biển trên địa bàn tỉnh.
Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã có buổi làm việc với đoàn Famtrip quốc tế gồm các công ty lữ hành, du lịch và phóng viên đến từ các nước như Nga, Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc… Đây không chỉ là hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Bình Thuận mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của mình đến với khách hàng. Năm 2014 mặc dù kinh tế có nhiều biến động, nhưng lượng khách du lịch đến Bình Thuận vẫn đạt 3,8 triệu lượt khách (trong đó có 12% khách quốc tế) với doanh thu 6 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, du lịch Bình Thuận đón tổng cộng 2,6 triệu lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2014) trong đó lượng khách quốc tế khoảng 294.000 lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Công tác bảo tồn di sản, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể được Bình Thuận thực hiện tốt, các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Mũi Né, Phan Thiết được quảng bá rộng khắp, xây dựng được tuyến tam giác du lịch “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”; các lễ hội truyền thống đặc trưng như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê… được tái hiện sinh động, thu hút du khách.
Ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu: Bình Thuận có bờ biển dài 192km, nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát hoang sơ. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như biển Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý – Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng… các trung tâm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia đã thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Các thành viên trong đoàn Famtrip quan tâm và chia sẻ nhiều nhất là vấn đề giao thông, nhiều ý kiến cho rằng Bình Thuận cần gấp rút đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận; mong muốn sân bay Phan Thiết sớm đi vào hoạt động; đa dạng các loại hình vận chuyển. Đại diện Công ty Montecito Village (Hoa Kỳ), bà Linda Kavanagh cho biết, đây là chuyến đi khảo sát đầu tiên tại Bình Thuận. Bà nhận thấy tiềm năng du lịch Bình Thuận đa dạng, các dịch vụ du lịch tại đây khá tốt. Bình Thuận là một điểm đến khá lý tưởng với hệ thống khách sạn từ 3 đến 5 sao nên phù hợp với nhiều đối tượng khách. Chính vì vậy, trong thời gian tới phía công ty sẽ lên kế hoạch đưa khách đến tham quan và du khảo tại Mũi Né - Bình Thuận.
Bình Thuận có 289 cơ sở lưu trú đang hoạt động với gần 11 nghìn phòng. Toàn tỉnh có 186 cơ sở được xếp hạng, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 25 khách sạn 4 sao và 11 khách sạn 3 sao.
  ĐÌNH HÒA

Đánh thức tiềm năng du lịch Bắc Bình

Điểm nhấn Bàu Trắng
Khu du lịch (KDL) sinh thái dã ngoại Bàu Trắng nổi tiếng lâu nay, nhờ có Bàu Ông, Bàu Bà hiền hòa, thơ mộng nằm dưới chân đồi cát Trinh Nữ. Đây là điểm nhấn du lịch của xã vùng cát ven biển Hòa Thắng, thu hút khá đông lượng khách trong ngoài nước. Chúng tôi từng chứng kiến, khi đường Hòa Thắng - Hòa Phú còn bụi bặm đất đỏ, đoàn xe zeep từ các Khu du lịch Mũi Né vẫn chở khách Tây ra khu du lịch này nghỉ dưỡng, để khám phá nét hoang sơ khi hoàng hôn xuống. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn KDL dã ngoại này. Theo thống kê của huyện, trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 100.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước tham quan KDL Bàu Trắng và một số điểm khác trên địa bàn huyện. Đầu năm nay, chủ đầu tư đưa thêm loại hình thủy phi cơ chở khách từ TP. HCM ra thẳng Bàu Trắng. Để hỗ trợ mô hình mới lạ độc đáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương trong một chuyến công tác Hòa Thắng đã khảo sát, chỉ đạo UBND huyện Bắc Bình, ngành chức năng, chủ đầu tư lựa chọn vị trí bến đỗ phù hợp, thuận tiện cho khách lên xuống…
Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát bến đỗ thủy phi cơ (Bàu Trắng)
Du khách vui chơi tại KDL Bàu Trắng
Cần gắn với những điểm đặc sắc khác của huyện
Bên cạnh điểm nhấn Bàu Trắng, tiềm năng du lịch Bắc Bình vẫn còn chưa được đánh thức, bởi địa phương này còn khá nhiều nét mới lạ, độc đáo khác. Đó là thắng cảnh Hòn Hồng, Hòn Nghề nằm ven biển hoang sơ có thể phát triển du lịch biển gắn các môn thể thao: dù lượn, lướt sóng. Các khu giải trí tự nhiên như đập Đồng Măng, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn hiện vật Chăm, các làng nghề truyền thống như gốm gọ Bình Đức (xã Phan Hiệp), dệt thổ cẩm Chăm thôn Cảnh Diễn (xã Phan Thanh). Bên cạnh đó, các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương như lễ hội Katê, RaMưWan đồng bào Chăm, Tết Đầu lúa người Rắc Lây, lễ hội cầu ngư ông Nam Hải của ngư dân xã Hòa Thắng… Những điểm mạnh này được gắn kết với nhau, hình thành tour, sẽ thu hút đông đảo khách đến du lịch. Một thuận lợi khác, tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp nằm ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú sẽ hình thành cuối năm nay, gắn kết các tour du lịch biển trong tỉnh. Trong bối cảnh ấy, Bắc Bình đã chủ trương xây dựng KDL sinh thái Bàu Trắng (Hòa Thắng) thành trung tâm du lịch của huyện, dần dần gắn với các điểm khác, thu hút khách. Cùng với đó, hai đề án du lịch đang được triển khai: Suối Nước - Hòa Thắng, Hòa Thắng - Hòa Phú, khi tuyến đường cùng tên này sắp hình thành. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Bắc Bình đã phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thiết kế các tour du lịch cộng đồng giữa các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa đến Bắc Bình (Bình Thuận), theo tuyến đường liên thông QL 28B, QL 1A vừa được nâng cấp mở rộng”.
Hy vọng với những bước xúc tiến này sẽ tạo cho du lịch Bắc Bình cất cánh.  
THÁI KHOA

Lân sư rồng đắt khách mùa trung thu

BTO- Còn hơn tuần nữa là đến rằm Trung thu, nhưng nhiều đoàn lân - sư - rồng ở thành phố Phan Thiết đã kín lịch diễn nhiều tuần trước và đang tập luyện tích cực để biểu diễn trong dịp tết Trung thu sắp tới.
Anh Trần Văn Vũ, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Nam Hoa thuộc Hội quán Phúc Kiến cho biết, đoàn của anh có khoảng 30 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 12 đến 27 tuổi) bao gồm cả nữ. Hiện nay, tất cả đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị biểu diễn trong dịp tết Trung thu. Được biết, công việc múa lân diễn ra quanh năm, từ các show lẻ như: múa đám cưới, khai trương, khánh thành, khởi công đến các sự kiện lớn trong năm như dịp lễ, hội... Tuy nhiên, các đoàn lân thực sự bận rộn nhất trong dịp tết Nguyên đán và tết Trung thu vì nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn. Anh Vũ chia sẻ: “Trong những dịp này, 12 đầu lân, 6 đầu rồng, 2 đầu sư và 17 trống của đoàn luôn hoạt động hết công suất. Khách hàng của đoàn thường là các trường học, khu du lịch, resort… Hiện nay, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời mời đi diễn trong dịp Trung thu từ 13 đến 15AL, đa phần là các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Phan Thiết”.
Đội lân sư rồng Nam Hoa biểu diễn ở các trường học dịp trung thu
Đoàn lân - sư - rồng Quảng Đông do ôngChâu Phú Cường phụ trách cũng đang tất bật chuẩn bị đồ nghề biểu diễn, luyện tập. Những ngày qua, đoàn của ông cũng nhận được nhiều lời mời múa phá cỗ, biểu diễn tại các trường học, sở, ban, ngành... Và đặc biệt, đội lân này sẽ biểu diễn trong lễ hội rước đèn của thành phố Phan Thiết, một trong những lễ hội rước đèn trung thu lớn nhất nước. Theo ông Cường, chi phí đầu tư đồ nghề biểu diễn khá tốn kém; định kỳ lại phải thay trống, đầu lân, trang phục, mang lại sự mới mẻ cho người xem. “Mục đích chính của hoạt động này là thỏa mãn đam mê, mang lại niềm vui cho mọi người. Hầu hết anh em trong đoàn rất tâm huyết với nghề, vì vậy họ luyện tập thường xuyên mong đem lại tiết mục hấp dẫn cho các em thiếu nhi khi Trung thu về...” – ông Cường nói.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Phan Thiết có khoảng 10 đội lân như: Quốc Cường Đường, Quốc Nghĩa Đường, Lâm Anh, Tân Minh... Bên cạnh đó còn có các câu lạc bộ do những nhóm trẻ tự lập tham gia biểu diễn. Thông thường, các đoàn này diễn liên tục 3 đến 4 ngày trong dịp tết Trung thu với nhiều tiết mục hấp dẫn như: lân phá cỗ, lân - sư giao đấu, lân múa mai hoa thung, lân leo sào, rồng leo trụ... Trong đó, múa mai hoa thung được xem là một trong những tiết mục đặc sắc nhất, thu hút nhiều người xem vì độ khó của nó. Ở tiết mục này, các con lân vừa múa, vừa bước đi trên những cây cột có độ cao từ 80cm đến 3m xếp từ thấp đến cao với chiều dài 15m, bề ngang 80cm. Độ khó nằm ở chỗ hai võ sĩ phải thực hiện các động tác phức tạp, nguy hiểm giữa đầu lân và đuôi lân. “Tiết mục mai hoa thung thường được nhiều nơi mời múa trong các dịp lễ hội lớn. Để thực hiện được tiết mục này, người múa cần ít nhất vài năm kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, người múa, người đánh trống... cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn. Riêng Tết trung thu, các đoàn thường đánh trống, múa lân, rồng với những kỹ thuật đơn giản hơn… chủ yếu tạo không khí vui tươi, sôi nổi ở các trường học”  - anh Trần Văn Vũ cho biết thêm.
Hàng năm, phần lớn các trường tiểu học, THCS đều tổ chức lễ hội cho học sinh nhân dịp tết Trung thu, trong đó múa lân là phần không thể thiếu. BGH Trường Tiểu học Phú Tài nhìn nhận: “Múa lân - sư - rồng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp học sinh hiểu thêm về ngày hội văn hóa cổ truyền của dân tộc nên từ sớm, nhà trường đã liên hệ các đoàn lân mời biểu diễn tại trường vào tối 13 AL tới”.
M.Vân

Đẩy mạnh tiêu thụ thanh long nội địa

BT- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thanh long chính vụ dồn ứ, giá rẻ tại Bình Thuận. Trước thực tế đó, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hữu Thủ (ảnh) - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng trên?
Ông Phạm Hữu Thủ: Vào chính vụ, ngoài sản phẩm thanh long, nhiều loại trái cây khác cũng trong mùa thu hoạch nên sản lượng trái cây dồi dào. Mặt khác  ngay ở trong nước, đã có trên 53 tỉnh, thành phát triển thanh long, nhất là Long An và Tiền Giang với  diện tích trên 10.000 ha. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc và các nước khác hiện đang phát triển diện tích thanh long khá lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Ngay tại  Bình Thuận, diện tích thanh long tiếp tục phát triển. Do đó, sản lượng thanh long chính vụ trở nên dồi dào, dẫn đến thanh long bị dồn ứ, khả năng tiêu thụ giảm là điều khó tránh khỏi.
Ảnh: N.L
 Những khó khăn trong công tác quản lý (về diện tích, sâu bệnh) trên thanh long hiện nay là gì, thưa ông?
Theo quy hoạch phát triển thanh long, đến năm 2015 toàn tỉnh quy hoạch 15.087 ha. Nhưng đến thời điểm này diện tích thanh long toàn tỉnh 26.000 ha, vượt quy hoạch hơn 10.000 ha. Nguyên nhân, người dân tiếp tục trồng thanh long  là do hiệu quả sản xuất thanh long vẫn hơn hẳn so các cây trồng khác, nhất là lúa. Mặc dù giá thanh long có lúc lên xuống thất thường, nhưng tính bình quân cả năm vẫn có hiệu quả cao so các cây trồng khác. Vì vậy, người dân tiếp tục phát triển thanh long ồ ạt, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, trước tình trạng phát triển nhanh diện tích thanh long những năm gần đây nên tình hình sâu bệnh diễn ra hết sức phức tạp, nhất là bệnh đốm nâu trong mùa mưa. Cụ thể, đến cuối tháng 8/2015, toàn tỉnh có khoảng trên 8.000 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, hiện nay chưa có thuốc đặc trị, gây ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất của trái thanh long, người dân buộc phải tiêu hủy thanh long bị bệnh đốm nâu. 
Trước những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp& PTNT đã có những giải pháp gì? Khuyến cáo đối với nông dân trồng thanh long?
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc sở triển khai một số giải pháp. Trong đó, khuyến cáo nông dân không phát triển ồ ạt diện tích thanh long mà tập trung nâng cao sản xuất thanh long theo hướng bền vững (VietGAP) để nâng cao chất lượng. Đồng thời đề nghị các huyện quản lý chặt chẽ việc phát triển về diện tích thanh long trên đất lúa. Hiện nay,  sở đang điều chỉnh quy hoạch thanh long đến năm 2020, định hướng 2025 trình UBND tỉnh xem xét...
Về tiêu thụ sản phẩm thanh long, Sở Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhất là các tỉnh, thành phố phía Bắc. Mặt khác, đề nghị Sở Công Thương kết nối các doanh nghiệp thu mua, sơ chế thanh long với các chợ đầu mối để liên kết trong vấn đề tiêu thụ thanh long. Hiệp hội Thanh long phát huy hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề  kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân sản xuất thanh long để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất thanh long theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh đốm nâu để hạn chế thấp nhất  thiệt hại cho người trồng thanh long. Hướng dẫn người dân khai thác đúng mức để nâng cao sức đề kháng của cây. Nhất là hiện nay đang chuẩn bị bước vào vụ chong đèn; chuẩn bị tốt về phân bón, chăm sóc trước khi chong đèn. Song song đó, không được chủ quan trước bệnh đốm nâu trên thanh long.
Xin cám ơn ông!
 Kiều Hằng (thực hiện)