Bài 2: Đủ chiêu trò ép giá
BT - Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” được phần lớn các vựa thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc “vô tư” làm giá, không chỉ với các thương lái người Việt mà cả với người Trung Quốc yếu cơ hơn…
“Làm xiếc”… với giá thanh long
Chưa bao giờ người dân Bình Thuận lại hồi hộp bán trái thanh long như hiện nay. “Bán thanh long giờ chẳng biết đâu mà lần. Sáng sớm họ mua xa cạ 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ đến 10h sáng là giá xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Thời điểm trước, mỗi khi quyết định bán người dân còn nhìn hàng xóm có hàng chín không để cắt. Giờ chẳng ai để ý nữa, cứ chín là bán chứ giữ lại có khi giá xuống thấp lỗ thêm. Bán sản phẩm mình làm ra mà cứ như chơi trò đỏ đen, may rủi vậy”, cô S, nhà xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam lắc đầu ngao ngán. Với nhà vườn, tình hình giá thanh long biến động thất thường thời gian gần đây đang gây không ít lo lắng, nhất là có thời điểm thanh long đột ngột rớt giá khá thấp chỉ 2.000 đồng/kg. Nhưng với những tay chuyên kinh doanh mua bán thanh long có thâm niên thì đã quá quen với tình trạng này. “Một khi các vựa đã bán hoặc chấp nhận làm “chân rết” cho thương lái Trung Quốc rồi thì chẳng còn quyền hạn gì cả. Giá như thế nào là do họ quyết định, biết người dân mình chịu thiệt nhưng đành bó tay”, H, một cò thanh long thở dài.
Một trong những vựa thanh long đã được thương lái Trung Quốc thuê lại.
|
Theo “bật mí” của H thì muốn “làm xiếc” với giá thanh long, thương lái Trung Quốc sẽ đặt hàng các vựa vào buổi sáng với số lượng lớn, nhưng đến khoảng 10h sáng thì báo lại chỉ mua với số lượng ít. “Dù sáng sớm đặt 10 container nhưng đến trưa họ chỉ mua 4, 5 container. Vì hai bên chỉ “hợp đồng miệng” với nhau nên thương lái người Việt đành bán tháo số hàng đã mua hồi sáng để gỡ vốn.