Thanh long Bình Thuận đang bị khó đầu ra, bị ép giá và thậm chí một số nơi còn “đổ cho bò ăn”. Giải thích tình cảnh này, trong khi dư luận cho rằng do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thì Hiệp hội Thanh long và Sở Công thương khẳng định chỉ là quy luật cung cầu tự nhiên.
Đến vùng thanh long H.Hàm Thuận Nam những ngày này, đâu đâu cũng thấy các vựa thanh long do người Trung Quốc (TQ) thuê để thu mua.
Đòi thuê cơ sở rồi nhờ đứng tên
Chị Minh Ngọc, chủ doanh nghiệp (DN) Ngọc Hà (ở H.Hàm Thuận), chuyên xuất thanh long đi TQ, kể: “Mình có hai cơ sở đóng gói thanh long nhưng mình chỉ tập trung vào một. Người TQ đến đòi thuê cơ sở của mình và kêu mình đứng tên, nhưng mình không cho. Làm như thế phụ thuộc họ.
Thích mua thì mình bán, tiền trao cháo múc cho chủ động. Cho họ núp sau, sẽ bị phụ thuộc hết”. Cũng theo chị Ngọc, bây giờ nhiều cơ sở thu mua (đầu nậu) mới mọc lên hai bên đường ở H.Hàm Thuận Nam toàn do người TQ sang thuê mướn. Họ bỏ tiền ra, điều khiển mình từ giá cho đến sản lượng hàng hóa. “Hằng ngày, họ (người TQ - PV) cho giá cho các cơ sở thu mua. Rồi các cơ sở lấy giá đó làm chuẩn để mua hàng, không khi nào có giá ổn định được”, chị Ngọc nói.
|
Ông Võ Huy Hoàng- Giám đốc Công ty rau quả Bình Thuận thì cho biết: “Chúng tôi cũng xuất đi TQ nhưng xuất chính ngạch, có hợp đồng giá cả hẳn hoi cho an tâm. Mình lo được về chất lượng hàng hóa thì bán chính ngạch sẽ giảm bớt rủi ro”. Theo ông Hoàng, thị trường TQ vẫn sẽ quyết định thanh long Bình Thuận nói riêng và thanh long VN nói chung trong nhiều năm nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp VN phải biết đoàn kết để chống đỡ lại sức ép từ thị trường này.
Không có con đường nào khác
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, nhận định: “Thị trường TQ là nơi tiêu thụ trái thanh long của cả nước chứ không riêng gì Bình Thuận. Vì sản lượng tiêu thụ và tiềm năng của thị trường này quá lớn (khoảng 400.000 tấn/năm - PV), nên chỉ cần nó “nhức đầu sổ mũi” là ảnh hưởng đến mình ngay”. Ông Hùng cũng thông tin thêm, hiện nay các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (TQ) đã trồng thành công thanh long với diện tích khoảng hơn 20.000 ha.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Võ Huy Hoàng thì khác: “Chúng ta không lo ngại khi TQ trồng thanh long. Bởi vì với khí hậu đặc thù, trái thanh long VN luôn có chất lượng và được chính người TQ ưa chuộng hơn sản phẩm họ làm ra”.
Giải pháp để phát triển bền vững trái thanh long, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Kiều cho biết: “Tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con phải sắp xếp lại sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không tăng thêm diện tích nữa. Hiện nay Bình Thuận đang tập trung hướng dẫn bà con chữa trị các loại dịch bệnh trên trái thanh long. Thanh long bị đổ bỏ chính là loại trái bị sâu hại, không thể xuất khẩu được”.
Quế Hà
No comments :
Post a Comment