BT- Mấy ngày qua, bài báo “Thanh long 10.000 đồng 4 kg bán đổ đống ở Sài Gòn” đăng trên trang mạng VnExpress (Tin nhanh Việt Nam) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Theo tác giả bài báo: Anh Thiện, một chủ vựa cho biết, mặt hàng này được chở về từ Bình Thuận, đã vào giữa vụ nhưng sức mua không hề tăng. Nhiều nhà bán không được nên đổ đầy vườn và đường. Thấy vậy, anh liền cho thu gom và mua lại với giá rẻ. Nhiều chuyến chở về TP. Hồ Chí Minh chỉ mất tiền phí vận chuyển, nên mới có giá “bèo” như vậy…
Đầu ra cho trái thanh long Bình Thuận vẫn còn nhiều bất cập |
Ngay sau đó, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự cảm thông cho nông dân Bình Thuận, đồng thời rất ngạc nhiên vì giá bán thanh long ở đa số các tỉnh, thành khác không hề “bèo” như thế, trái lại còn khá đắt đỏ… Tham gia bình luận, “nguyenkhang 22032008” chia sẻ: Hôm qua thấy vợ vui vẻ khi đi chợ về mua 5 kg thanh long chỉ hết 20.000 đồng, tôi đã nói ngay là em đừng cười trên sự đau khổ của người khác… Cùng tâm trạng, “Nguyenthanh Tien” cho hay: Ba mẹ mình là nhà vườn thanh long Bình Thuận, bán cả tấn thanh long mà chỉ được 1 triệu đồng, quá là nhức nhối. Công chăm sóc cả mấy tháng trời. Thiệt là đau xót.
Thế nhưng bạn đọc có nickname “phale 26692” khẳng định ở Vinh mua 30.000 đồng/kg thanh long, còn bạn “mê thanh long” thì chua chát: Bình Thuận đâu cách Nha Trang bao xa mà tôi phải mua 25.000 đồng/kg. Đến đây, bức xúc như được đẩy lên cao trào khi nhiều người cho biết giá thanh long tại Hạ Long là 35.000 đồng/kg (Cha Pi), ở Lào Cai mua 35.000 đồng/kg (hoatrinh 1987), Lai Châu lúc nào cũng 40.000 đồng/kg (allo1), vậy mà ở Hàn Quốc muốn ăn 1 quả phải trả 60.000 đồng (Trung Nguyễn), ở Mỹ 1 quả thanh long giá 4.59 $ (Frangipani)…
Bên cạnh cũng có người tham gia đề xuất giải pháp nhằm chung tay tiêu thụ cho trái thanh long Bình Thuận. Bạn đọc “son ngo le thai” trăn trở: Tôi không tìm hiểu giá cả thị trường miền Bắc, nhưng nếu đúng như mấy cô chú, anh chị comment thì có lẽ xây dựng chuỗi phân phối thanh long trong nước rất tiềm năng. Vừa giúp nông dân bớt lệ thuộc vào thương lái nước ngoài, mà người dân nước mình vẫn được sử dụng những sản phẩm sạch và chất lượng… Còn bạn “Lâm nguyễn” góp ý: Ăn hoa quả tốt cho sức khỏe. Nhưng vì tâm lý sợ hoa quả dùng thuốc bảo quản Trung Quốc nên dân mình sợ. Hạn chế ăn hơn. Nếu xóa đi được suy nghĩ này thì bằng ấy người dân Việt Nam cũng sử dụng được hết nông sản Việt. Không phụ thuộc thương lái…
Trong khi đó tại Bình Thuận, ngành chức năng cũng vừa tổ chức cuộc họp thông tin tình hình thị trường tiêu thụ thanh long ngay thời điểm giá cả loại trái cây lợi thế của địa phương lao dốc thê thảm… Theo phản ánh từ Sở Công Thương thì thị trường nội địa hiện vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm mở rộng, dù thời gian qua Nhà nước đã tổ chức nhiều chương trình và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Bình Thuận liên doanh, liên kết với các kênh phân phối trong nước. Đối với xuất khẩu, thanh long Bình Thuận chỉ tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, trong đó hầu hết là xuất khẩu theo hình thức biên mậu. Còn các thị trường truyền thống khác tuy được giữ vững, nhưng sản lượng lẫn kim ngạch không tăng và chiếm tỷ trọng thấp so với tiềm năng.
Qua đây, thực tế cho thấy vấn đề “đầu ra” cho trái thanh long Bình Thuận vẫn còn nhiều bất cập, thể hiện từ khâu phân phối cho đến giá cả mà người tiêu dùng phải chấp nhận. Và nếu không sớm triển khai các giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tồn tại, có lẽ trái thanh long Bình Thuận sẽ tiếp tục gặp cảnh xót xa như thế mỗi khi bước vào chính vụ…
ĐÌNH QUỐC
No comments :
Post a Comment