– Làng chài Vạn Thủy Tú (Phan Thiết – Bình Thuận) hình thành từ năm 1762, được xem là cổ xưa nhất Nam Trung bộ. Đến thăm Vạn Thủy Tú, chẳng khác nào ta bước vào một bảo tàng sống động của văn hóa những người ngư phủ.
Tục thờ cá Ông
Với những vạn chài suốt chiều dài đất nước, từ hàng ngàn năm qua, những ngư phủ Việt đã có tục thờ cá Ông – tức cá voi, đó chính là một tín ngưỡng dân gian đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam từ Thanh Hóa vào tận mũi Cà Mau. Và với loài vật khổng lồ linh thiêng này, ngư dân các vạn chài luôn tôn thờ và gọi bằng cái tên đầy tôn kính: thần Nam Hải hay ông Nam Hải.
Truyền thuyết xa xưa kể lại rằng: Những ngư phủ đang ra khơi đánh bắt xa bờ, không may bị bão tố cuồng phong đánh chìm tàu thuyền, thì chính khi ấy, cá ông đã tìm đến đưa lưng mình ra để nâng cao thuyền lên và đưa thuyền vào bờ. Và do chính hành động cứu người như thế, cá ông thường không thể trở ra biển khơi được vì kiệt sức nên đã chết dạt, mà ngư dân thường gọi là ông lụy.
Theo lệ từ xưa đến nay, thì dân vạn chài nào phát hiện được “ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng ông thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển sau đó ba bốn năm sau phải cải táng và đưa xương cá ông vào lập lăng để thờ phượng.
Hàng năm dân làng chọn ngày “ông lụy” để làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ” vì theo tín ngưỡng này, Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.
“Bảo tàng” của làng biển
Đền thờ cá ông Vạn Thủy Tú được xem là lăng cá ông lớn nhất Nam Trung bộ với gần 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ. Một nửa trong số đó có niên đại từ 100 – 150 năm, trong đó có những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm. Đặc biệt, tại đây có bộ xương cá ông khổng lồ dài hơn 20 mét và nặng hàng trăm tấn, và còn hơn thế nữa, nơi đây còn lưu giữ hơn 100 hài cốt cá ông khác cũng như những bài vị, sắc phong có từ hơn 200 năm trước.
Dinh được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ (1762) với Chính Điện, nhà Tiền Vãng và phía trước là Võ Ca. Trung tâm Chính Điện đặt khám thờ Thần Nam Hải. Bên tả khám thờ Ông Thủy (ông tổ nghề biển), bên hữu thờ Bà Thủy. Phía sau Chánh điện là nhà Tiền Vãng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền – những người có công khai phá dựng Làng, lập Vạn. Phía trước là nhà Võ Ca, nơi để hát bội và diễn Bã Trạo trong những kỳ tế lễ.
Dinh Vạn Thủy Tú sử dụng lối kiến trúc “Tứ Trụ”. Đến nay so với hàng chục ngôi Vạn thờ Hải Thần dọc bờ biển Bình Thuận thì Dinh Vạn Thủy Tú có kiến trúc cổ còn giữ nguyên trạng. Trong Dinh còn lưu giữ 24 sắc phong của các vua Triều Nguyễn; lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán – Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám tờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối trên văn chuông Đại Hồng Chung…
Tất cả những ấn tượng đó khiến ta có cảm giác đang tham quan một bảo tàng văn hóa, mà ở đó những giá trị xưa cổ và thiêng liêng được lưu giữ và luôn được sống động hóa nhờ những nghi thức cổ truyền mà các cụ ông trông coi Dinh hằng ngày thực hiện.
Và một lần đến Phan Thiết, ghé thăm Vạn Thủy Tú, chính là một lần được tận mắt nhìn thấy và cảm nhận văn hóa miền biển, của những con người trân trọng truyền thống và luôn hi vọng một cuộc sống ấm no, hiền hòa với những sản vật giàu có mà biển khơi mang lại.
Nhật Ánh
No comments :
Post a Comment