Dinh Vạn Thủy Tú ở TP Phan Thiết là dinh vạn lớn và cổ xưa của nghề biển Bình Thuận. Dinh được xây dựng năm 1762, trong đó có chính điện đặt khám thờ thần Nam Hải. Tại đây có trưng bày bộ xương cá voi dài 22 met, được xem là lớn nhất Đông Nam Á.
Bộ xương cá voi dài 22 met ở Vạn Thủy Tú, lớn nhất Đông Nam Á.
Thế nhưng ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (cũng thuộc tỉnh Bình Thuận) có lăng Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá voi dài đến... 25 met!
Sao kỳ vậy? Chẳng lẽ bộ xương cá voi ở Vạn Thủy Tú dài nhất Đông Nam Á mà lại... dài nhì tỉnh Bình Thuận?
Lăng Ông Nam Hải ở xã Bình Thạnh nằm bên bờ biển, cạnh một đồi cát mênh mông, cách bãi biển Cổ Thạch không xa. Từ bãi tắm Cổ Thạch có thể đi bộ đến đây, hơn 1 km (nhưng hơi mỏi, vì đi trên cát!).
Lăng Ông Nam Hải ở xã Bình Thạnh nằm bên bờ biển, cạnh một đồi cát mênh mông, cách bãi biển Cổ Thạch không xa. Từ bãi tắm Cổ Thạch có thể đi bộ đến đây, hơn 1 km (nhưng hơi mỏi, vì đi trên cát!).
Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Pháp luật TPHCM online
Chánh điện lăng Ông Nam Hải. Ảnh: Pháp luật TPHCM online
Lăng Ông Nam Hải được xây dựng từ đời Vua Minh Mạng (1820-1840), thuộc vào hàng sớm trên vùng đất huyện Tuy Phong, theo lối kết cấu kiến trúc đặc sắc và độc đáo mang đậm tính địa phương và hoàn toàn khác biệt với lối kết cấu kiến trúc đình làng, lăng vạn ở các địa phương khác.
Từ khi tạo lập đến nay, lăng Ông Nam Hải đã tiếp nhận và an táng hàng chục cá voi lụy (chết) và trôi dạt vào bờ ở khu vực trước lăng. Sau khi an táng từ 2 - 3 năm, ngư dân địa phương thực hiện nghi lễ thượng ngọc cốt theo tập tục để đưa vào lăng thờ phụng. Số lượng ngọc cốt Ông đang lưu giữ tại lăng có nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, được chú trọng bảo quản và gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Đặc biệt tại lăng còn lưu giữ bộ xương cốt cá Ông lụy đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX mà ngư dân địa phương cho biết đây cũng chính là Ngài lớn nhất, với kích thước chiếc xương hàm đo được dài 2,5 m, ước lượng dài đến 25 met.
Do lăng Ông nằm dưới chân đồi cát di động nên hàng năm dân làng phải thường xuyên nạo vét cát để tránh nguy cơ bị phủ lấp. Trong thời chiến tranh người dân Bình Thạnh phải sơ tán đi nơi khác trong một thời gian dài, không ai trông nom, bảo quản lăng. Vì thế, lăng Ông Nam Hải đã bị vùi sâu trong cát suốt 40 năm. Đến năm 1991, người dân địa phương mới có điều kiện dịch chuyển hàng ngàn khối cát, trùng tu, sửa chữa lại lăng để có nơi thờ phụng, tế lễ hàng năm.
Vì sao bộ xương cá ông ở Lăng Ông Nam Hải không được công nhận là lớn nhất?
Mặt bên lăng Ông Nam Hải. Nhìn ảnh này ta dễ dàng hiểu được vì sao lăng bị vùi lấp trong cát suốt 40 năm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Bộ xương cá ông ở đây hiện nay không được xếp dài thành hình dạng thân cá ông như ở Vạn Thủy Tú mà người xem chỉ có thể nhìn thấy các đốt xương sống khổng lồ xếp chồng lên nhau trong lồng kiếng. Và có lẽ cũng không thể xếp dài thành hình thân cá vì qua bao nhiêu biến cố bộ xương cũng không còn đầy đủ.
Bên trái chánh điện là nơi đặt bộ xương cá ông khổng lồ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Các đốt xương sống xếp chồng lên nhau. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Tương truyền rằng bộ xương dài 25 met, cao 2,7 met, ngang 4,8 met, nhưng đó chỉ là những lời truyền tụng từ đời này sang đời khác, còn cơ sở đo đạc chính xác để xác định kích thước bộ xương vẫn chưa có! Vì vậy, cho đến giờ này bộ xương cá voi dài 22 met ở Vạn Thủy Tú vẫn được công nhận là bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á.
Thêm một điều nữa là dinh Vạn Thủy Tú ở ngay TP Phan Thiết, có thế đến thăm một cách dễ dàng, còn lăng Ông Nam Hải ở khá xa lại ở một nơi heo hút cạnh bãi cát mênh mông nên ít người biết đến là lẽ tất nhiên.
Phạm Hoài Nhân
No comments :
Post a Comment