Quá trình chinh phục biển cả, từ hàng trăm năm trước, ông cha ta đã sáng chế ra nhiều phương tiện để các ngư dân có thể hiên ngang “đứng” giữa biển khơi. Trong đó, chiếc thúng chai là một trong những phương tiện được ngư dân sử dụng để đi lại trên biển. Và nghề đan thúng chai cũng xuất hiện từ đó. Ngày nay, giữa lòng đô thị Phan Thiết tấp nập, vẫn còn đâu đó hình ảnh lặng lẽ của những nhà nghề đang từng ngày tạo ra những chiếc thúng chai truyền thống, mang dấu ấn thời gian.
Nghề đan thúng chai ở Phan Thiết bắt nguồn từ những gia đình người Quảng di cư vào các làng chài ven biển Phan Thiết để mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản, họ cũng mang theo nghề đan thúng chai vào đây để phục vụ việc đi biển.
Trước đây, nghề đan thúng chai ở Phan Thiết phát triển mạnh thành Hợp tác xã đan thúng, số lượng hội viên có lúc lên đến trên trăm người. Qua thời gian, hiện Phan Thiết chỉ còn 2 địa phương với vài hộ gia đình làm nghề đan thúng là Lạc Đạo và Đức Thắng.
Nằm bên cạnh điểm tham quan nổi tiếng dinh Vạn Thủy Tú – Nhà trưng bày bộ cốt Ông Nam Hải, khu phố 3, phường Đức Thắng là nơi cung cấp thúng chai nhiều nhất cho ngư dân Phan Thiết. Mặc dù nghề đan thúng đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cả khu phố giờ chỉ còn 2 hộ sống bằng nghề này. Ông Đỗ Lương, một người có thâm niên trong nghề tại phường Đức Thắng cho biết: Thúng chai được đan bằng tre nhưng phải từ 2 loại đó là tre mỡ dùng để chẻ nan và tre đực (tre có gai) dùng để vót vành lận thúng. Tùy theo tre lớn hay nhỏ, để đan được một chiếc thúng, thợ đan cần từ 10-15 cây tre, đặc biệt, tre phải từ một năm tuổi trở lên mới bảo đảm được độ bền, dẻo dai của thúng. Chu vi của thúng từ 7- 8,5 mét và người bán thường tính theo đơn vị mét để bán. Theo giá hiện nay, thúng chai khi thành phẩm, tùy theo kích cỡ, có giá dao động khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/thúng. Ông Đỗ Lương - phường Đức Thắng chia sẻ:
Tre mua về được cắt khúc theo thước tấc đã tính sẵn, chuốt hết tinh màu xanh của tre để sau này trét dầu rái cho tre thấm, sau đó, nổ tre chẻ nan ra vót. Nan tre đem phơi nắng cho khô nhưng phải phơi qua 2 lớp sương cho tre thẳng ra mới đan được. Chiếc thúng sau khi hoàn thành công đoạn đan sẽ được cho vào 8 chiếc cột đóng sẵn và tạo hình tùy thích theo mục đích sử dụng là đi câu hay dùng để di chuyển ra thuyền. Ông Ngô Phước – phường Lạc Đạo, cho biết thêm: Nghề đan thúng hiện nay đang dần mai một vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh sự “lên ngôi” của thúng composite thì thu nhập thấp cũng khiến không còn nhiều người theo nghề. Mặt khác, nghề đan thúng chai tồn tại theo kiểu cha truyền con nối và đòi hỏi tính tỉ mỉ, nhẫn nại cao nên lớp trẻ hiện nay rất ít người kế thừa nghề này.
Hiện nay, mặc dù một số ngư dân vẫn rất thích thúng chai đan bằng tre thế nhưng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, loại thúng bằng nhựa composite với nhiều tính năng ưu việt đã có mặt trên thị trường sẽ đáp ứng, thỏa mãn mọi yêu cầu đánh bắt của ngư dân, do vậy, nghề đan thúng chai bị mai một và có thể không còn hiện hữu, thế nhưng, nghề đan thúng chai lại đang dần trở thành một địa điểm làng nghề cho du khách tham quan. Những hộ dân ở Đức Thắng vẫn ngày đêm cặm cụi với nghề, vẫn làm “cảnh” cho du khách ghi hình trong chuyến tham quan Phan Thiết, song trong họ, nỗi lo không có người kế nghiệp, Phan Thiết mất hẳn nghề đan thúng chai luôn thấp thoáng!!!.
Châu Tỉnh
|
No comments :
Post a Comment