BT- Đến xã Chí Công (Tuy Phong), ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ đủ lứa tuổi ngồi dọc các bãi sò, tay thoăn thoắt cạy. Nhất là thời điểm này, khi chuẩn bị bước vào mùa bấc, ghe thuyền lặn sò được mùa, các chị cạy sò càng thêm việc để làm.
Cạy sò tại xã Chí Công. Ảnh: T.L |
Tầm 3 giờ chiều một ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại bãi sò thôn Hà Thủy 2, một trong 3 bãi sò của xã Chí Công. Con đường nhỏ ngoằn nghoèo, nằm lọt giữa hai dãy nhà dày kín của người dân. Người, xe tấp nập, rộn rã cả xóm biển. Các phương tiện ở đây chủ yếu là xe máy, xe ba gác chở sò, cá đi tiêu thụ sau mỗi chuyến biển cập bờ. Sát con đường nhỏ là hình ảnh buôn bán tấp nập giữa các đầu nậu và chủ thuyền. Kế đó là hàng chục phụ nữ ngồi bên những núi sò, cặm cụi làm việc. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển này dồi dào hải sản, chủ yếu là các loại sò điệp, sò quạt, sò trai… Vì vậy, ở đây lúc nào cũng đông đúc người cạy sò, người đánh bắt hải sản, thu mua, nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã, nhất là phụ nữ nhàn rỗi.
Giữa cái nắng, gió mặn chát thổi từ biển vào, gương mặt ai nấy đều sạm đen. Để giảm bớt khô ráp, mỗi người đều trang bị cho mình một áo khoác dày, bịt kín mặt, đội nón. Ngoài ra, về dụng cụ cạy, chỉ cần có vài đôi bao tay, một cái ghế ngồi, cục đá đầu nhọn và một vài con dao nhỏ phù hợp, kèm theo thau chậu đựng cồi sò. Tôi bắt chuyện với Thu - cô gái có thâm niên cạy sò. Thu cho hay: Do gia đình khó khăn, nên nghỉ học từ năm lớp 6 để cạy sò kiếm tiền. Thời gian đầu làm chậm, ít sản phẩm, nhưng khi quen việc, mỗi ngày thu nhập từ 100.000 đến trên 200.000 đồng. Thu cho biết, mỗi ký sò thành phẩm, được đầu nậu trả từ 8.000 - 13.000 đồng. Nếu sò không ngâm nước sẽ được trả 15.000 đồng/kg.
Ở những xóm sò này có rất nhiều đầu nậu, điển hình như bà Nở. Chỉ riêng bà đã “thầu” 5 ghe thuyền và có từ 10 - 20 lao động gia công. Khi tàu thuyền cập bờ, bà sẽ đứng ra “bao” sản phẩm, sau đó phân loại, gồm hàng đông lạnh nhập vào Sài Gòn, hàng bán ra các chợ, nhà hàng… Còn lại là thuê nhân công địa phương xẻ lấy cồi. Mặc dù mỗi ngày có hàng chục phụ nữ đi cạy sò thuê, nhưng nhiều lúc có hàng tấn sò được khai thác, nên người ta buộc phải thuê xe thồ chở lên các xóm trên để thuê người cạy với giá cao hơn.
Huệ - một người cạy sò chung với Thu cho biết: Làm nghề này ngồi nhiều giờ liền nên hầu như ai cũng bị đau lưng, tê mỏi chân. Còn đôi bàn tay thường bị phù nề vì ngâm nước nhiều và bị chai sạn, nứt nẻ do vỏ sò cứa trúng. Dẫu biết là nghề vất vả, nhưng những người phụ nữ như Thu, Huệ vì cuộc sống mưu sinh mà vẫn tiếp làm miệt mài với nghề.
Trời chập choạng tối. Rời xóm cạy sò, chúng tôi vẫn phải chen chúc giữa con đường hẹp. Sau lưng vẫn văng vẳng tiếng nói cười rôm rả của những phụ nữ cạy sò nơi xóm biển…
Trung Lương
No comments :
Post a Comment