Saturday, October 31, 2015

Lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím: Địa chỉ kết nối du lịch của Bình Thuận

BT- Hàng năm, nhằm ngày 14/9 âm lịch, lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím chính thức được khai hội. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của ngư dân miền biển làng Tam Tân – xã Tân Tiến – thị xã La Gi.
Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức độc đáo, có nhiều đổi mới nhưng vẫn bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc dân tộc vừa quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Bình Thuận. Ngay từ sáng sớm ngày khai hội, hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đã tập trung về Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi để hành hương, cúng bái và tham gia Lễ rước nghinh thần, rước sắc phong từ mộ Thầy Thím về dinh. Đây được xem là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, bởi trong tâm thức của người dân, tham dự lễ hội từ sáng sớm là cách bày tỏ lòng thành kính đối với vị thánh hoàng lạc đã có công tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho vùng đất này. Trong thời gian, từ ngày 26- 28/10 (tức ngày 14 – 16 âm lịch) lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ nhập điện an vị, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng  gia binh … Qua các nghi lễ, khách hành hương có thể cảm nhận được những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, nét thuần phong mỹ tục và giá trị tâm linh. Cùng với đó, phần hội đã thu hút đông đảo du khách tham gia với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian mang đậm phong vị xứ biển như thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, thi đấu cờ người, thi làm bánh… Ngoài ra, ban tổ chức còn trưng bày, triển lãm mô hình sự tích dinh Thầy Thím và các gian hàng ẩm thực, mua sắm, giải trí để phục vụ khách hành hương đến tham quan.
Theo Ban tổ chức lễ hội Dinh Thầy Thím, người dân và du khách thập phương bắt đầu đổ về dinh hơn 2 tuần nay và tăng đột biến từ ngày 14 – 16/9 âm lịch. Để tránh tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong mùa lễ hội, Ban tổ chức đã xây dựng bãi giữ xe và mở rộng khu sinh hoạt cộng đồng để khách hành hương có  không gian rộng ăn uống, vui chơi. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường lực lượng đảm bảo tình hình an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường, hỗ trợ y tế cho du khách và hạn chế tối đa nạn ăn xin, chèo kéo du khách. Các điểm đến, khách sạn, nhà nghỉ trong địa bàn cũng đã được địa phương phổ biến, quán triệt về niêm yết giá cả để không xảy ra tình trạng chặt chém du khách. Anh Nguyễn Văn Ba – khách hành hương ở Long An cho biết: “Hàng năm, cứ vào dịp này gia đình tôi lại đến dinh Thầy Thím để tham dự lễ hội. So với mấy năm trước, năm nay tôi thấy tình hình an ninh tại dinh được đảm bảo hơn, đồng thời các gian hàng mua sắm và khu ăn uống được bày bán rộng rãi nên chúng tôi thoải mái nghỉ ngơi, ăn uống mà không bị chặt chém”.
Năm 1997, Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung không chỉ mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục mà còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím. Lễ hội Dinh Thầy Thím không chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến trong những ngày diễn ra các hoạt động lễ hội mà đã trở thành mùa lễ hội trong suốt tháng 9 âm lịch. Ước tính, trung bình hàng năm vào mùa lễ hội này, thị xã La Gi đón khoảng 300.000 lượt khách. Có thể nói lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím đã trở thành một địa chỉ kết nối du lịch tỉnh nhà và được nhiều người trong, ngoài nước biết đến.
THANH THỦY

No comments :

Post a Comment