BT- Tiếng rao kéo dài, buồn của chị Ba Côi trôi theo từng vòng xe lăn nhưng dư vị của loại bánh có cái tên nghe không mấy cảm tình thì ở lại mãi với mỗi căn nhà mà chị Ba đi qua.
Bánh hòn bày bán ở Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết. |
Đó là món bánh mà ngày nhỏ có chút tiền nào mẹ cho, lũ trẻ thường mua ăn, dù rất nhiều bà mẹ dư biết cách làm loại bánh này. Này nhé, đầu tiên là chọn bột mì loại tốt, mới (để tránh sâu, mọt và dai). Đường cát phải là loại thật khô, hạt to hay mịn đều được. Dừa thì chọn trái vừa, không non quá khó bào lấy sợi nhưng cũng đừng già quá ăn bị xảm. Vài lạng đậu phộng sống về rang hoặc ít thời gian thì mua loại rang sẵn. Nếu muốn có màu cho đẹp thì dùng ruột gấc, nước cốt lá cẩm, lá dứa… không thì cứ để bột màu trắng. Nếu thích màu mè thì phải dùng phẩm màu, vậy là xong phần nguyên liệu để làm bánh hòn.
Nhào bột kỹ cũng giúp cho bánh thành phẩm chất lượng hơn. Xong, vo bột lại thành sợi dài, lấy dao cắt ra từng viên trên thớt. Tùy theo sở thích có thể nhận vào giữa viên bột một hạt đậu phộng rang hoặc không, vo tròn viên bột. Chỉ còn thao tác luộc bột, cho ra thau nước lạnh, vớt để ráo, trộn với dừa đã bào sợi nữa là hoàn thành. Những viên bánh hòn có hình tròn, to nhỏ không đều nhau, khi chín có màu trắng trong, dính những sợi dừa trông thật hấp dẫn. Khi ăn, tùy theo sở thích mà trộn với đường cát hoặc rắc lên trên một ít muối đậu hay muối mè. Dai, giòn, sựt sựt, thơm, ngọt, bùi là những điều mà vị giác cảm nhận được khi dùng cây tăm ghim mấy viên bánh hòn cho vào miệng...Và cũng chắc vì bánh có dạng hình hòn bi nên gọi thành tên.
Ở Phan Thiết giờ cũng còn một số người bán bánh hòn dạo, khách hàng không chỉ là trẻ con. Tiếng rao “Ai… bánh… hòn… đê…!” như một nốt nhạc loang vào không gian, thấm vào dạ dày người nghe.
Do nguyên liệu dễ kiếm, không cầu kỳ, không đắt tiền nên giá thành một thau bánh hòn không cao. Người bán bánh hòn, vì vậy, bán một gói bánh đầy chỉ chừng 5.000 đồng hoặc cao lắm là 10.000 đồng... Nhiều du khách ở xa đến Phan Thiết đã nếm qua, có dịp ghé lại thường nhờ người quen tìm cho bằng được và khu vực đồi cát Mũi Né bên cạnh nhiều món ăn đặc sản khác vẫn còn sự tồn tại của bánh hòn. Chị Ba Côi, khu phố 2, phường Lạc Đạo kể, trước chỉ bán xôi, sau thấy nhiều người hỏi nên làm thêm bánh hòn từ năm 1985 tới nay. Mỗi ngày chị nhồi 1,3kg bột, thành phẩm là một thau nhỏ bánh hòn, xếp vào cùng thau xôi. Tầm 16 giờ, người phụ nữ luống tuổi bắt đầu rong ruổi miệt biển Đức Long, Lạc Đạo rồi đạp tuốt lên Tiến Lợi. Đến khoảng 20 giờ thì bán hết. Quầy “fastfood” của Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết bên cạnh nhiều món ăn “tầm cỡ” cũng bày bán bánh hòn mà lạ là ngày nào cũng hết hàng sớm.
Không ai biết có từ lúc nào và có phải xuất xứ từ Phan Thiết hay không nhưng cho đến nay, món bánh hòn dân dã đã nghiễm nhiên trở thành đặc sản riêng có của vùng biển này và ít nhiều đã để thương để nhớ trong lòng mọi người.
Mai Kim Dung