BT- Nhóm đền tháp Chăm Po Sah Inư trên đỉnh đồi Lầu Ông Hoàng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết là di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng quốc gia từ tháng 8/1991. Nhóm đền tháp Po Sah Inư đã được xây dựng cách nay hơn 1.200 năm, hiện chỉ còn 3 tháp chính là tháp A (thờ sinh thực khí Linga - Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối, tượng trưng cho thần Siva), tháp B thờ bò thần Nandin và tháp C thờ Thần Lửa.
Tháp Po Sah Inư còn có vài tên gọi khác là tháp Phố Hài, tháp Bà Tranh. Qua tìm hiểu được biết, Po Sha Inư là tên gọi của một vị nữ vương Chăm, cũng đồng nghĩa với Thần Núi. Cũng có một truyền thuyết khác nói rằng Po Sah Inư là tên một vị công chúa Chăm theo đạo Bà-la-môn.
Nàng đem lòng yêu thương chàng Pôchok theo đạo Bà ni. Do khác tôn giáo nên hai người không thể kết hợp với nhau. Về sau công chúa Po Sah Inư nghe lời khuyên của vua cha Pôchanh, nàng từ bỏ người yêu trở về với đạo của mình và giúp vua cha xây dựng cơ nghiệp.
Người đảm trách việc thờ cúng ở tháp Po Sah Inư hiện nay là thầy Chăm Bà la môn Khê Văn Ngọc, năm nay đã 71 tuổi, quê thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Thầy Ngọc thực hiện nghi thức cúng tế trong tháp chính (tháp A). Trong tháp có một tủ kính dùng để bảo quản trên bệ thờ biểu tượng sinh thực khí Linga - Yoni đen bóng. Phía trước bệ thờ sinh thực khí là một chiếc bàn nhỏ có cặp chân đèn, bộ bình trà, ống nhang, bát nhang, bình hoa, khay quả trái cây và lư trầm.
Chứng kiến thầy Ngọc cúng cho một chị phụ nữ đến viếng tháp. Chị tên Ngọc Nhàn, 50 tuổi nhà ở Phan Thiết, khách thường xuyên viếng tháp. Chị Nhàn nhờ thầy cúng cho con cái làm ăn thuận lợi. Thầy thắp một cây nhang đưa cho chị Nhàn, chị khấn vái và cắm nhang vào bát trước mặt. Thầy Ngọc bắt đầu khấn. Nghe được thầy khấn công chúa Po Sah Inư phù hộ cho khách viếng tháp được bình yên, xe cộ đường xa đi đến nơi về đến chốn, con cái làm ăn thuận lợi, học hành tấn tới…
Xong việc, chị Nhàn ra xe trở về. Tôi trở lại tháp chính cùng ngồi với thầy Ngọc trên băng ghế đá ngoài tháp trò chuyện. Thầy Ngọc cho biết, người giữ đền tháp phải là người lớn tuổi, không còn sinh hoạt gia đình. Khách đến viếng tháp thường là cầu công chúa Po Sah Inư phù hộ cho gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi, con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn. Cũng có những đôi vợ chồng hiếm muộn đến tháp cầu con…
Hoàng Cẩm
No comments :
Post a Comment