BT - Nhân đọc bài “Người giữ đình làng tuổi bách niên” của tác giả Hà Hoàng Hạc trên Báo Bình Thuận cuối tuần ra ngày 12/6/2015, có một gợi ý rất hay: “Cho đến bây giờ, chưa ai giải thích được vì sao đình làng tọa lạc tại phường Đức Long (Phan Thiết) có tên gọi là đình Tú Luông…”. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Phan Thiết, lại có thời gian dài sinh sống ở phường Đức Long nên rất thích đề tài này và thử đi tìm...
Một ngày cuối tháng 6/2015, tôi đến đình Tú Luông thuộc phường Đức Long, TP. Phan Thiết. Từ đường Trần Hưng Đạo vào đình bằng lối tắt qua chùa Long Sơn. Đến sân đình thấy có tấm bia ghi “Đình Tú Luông được tạo dựng vào đầu thế kỷ thứ XIX, trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 24 (1871)…”. Đình hướng về phương Nam, gồm hai dãy nhà. Bên phải là nhà thờ tiền hiền, trên mặt tiền có dòng chữ Hán “Đức Long Tổ Đường” (德龍祖堂), hai bên có dòng chữ “Khải Định thất niên 1922”. Trong nhà tiền hiền ở giữa có 2 bài vị ghi bằng chữ Hán: “Tiền hiền chi vị” và “Hậu hiền chi vị”.
Cổng Tú Long Hội quán.
|
Dãy bên trái là nhà thờ thần, mặt tiền có dòng chữ Hán: “Bổn Cảnh Thành Hoàng Đình” (本境城堭亭). Bên trong gian giữa có thờ một chữ “Thần” (神) lớn bằng Hán tự.
Ông Lê Văn Bảy, người quản lý đình Tú Luông chỉ cho tôi xem một biển chữ Hán đặt trên cao trong nhà thờ thần:
Nguyên gốc:
“Khuê Chí.
Bổn thôn dĩ Tú Long (繡龍) danh giã, gian hữu cao động, ngọa long hình cố dã kỳ địa. Đông lai Nhuận Đức, tây cận Phú Lâm, bắc chí giang tâm, nam liên hải chữ.
Tiền cổ chi thời hải khẩu tại yên thị tứ, cư yên dân vật phú khương phong đắc danh thắng chi hương dã. Đãi phu thiên đạo tiểu biến hải khẩu bồi tắc thị tứ tán vụ dân vật nhân tình ký bất kiết hỷ. Niên tiệm châu hao nhựt dĩ suy vi kỳ ngoại yến tại tích giã tam phân chi nhị tâm...
Thởi đương, Thành Thái nguyên niên, tuế thứ Kỷ Sửu bạ quý kiết nhựt đề
Bổn thôn đồng ký”.
Dịch nghĩa:
“Bảng nêu công ghi nhớ
Bổn thôn lấy tên Tú Luông, giữa có động cao hình rồng nằm là một kỳ địa... Hướng đông đi lại với làng Nhuận Đức, hướng tây tiếp cận với làng Phú Lâm, hướng bắc thẳng đến giữa lòng sông, hướng nam liền theo bờ biển. Thời xa xưa cửa biển nằm ngay trung tâm thôn. Dân cư yên ổn làm ăn thịnh vượng nổi tiếng thôn danh thắng. Bất ngờ trời gây cơn biến động nhỏ, đem đất bồi lấp cửa biển. Dân tình tứ tán, thú vật cũng bỏ đi không còn như trước nữa. Từ đó mỗi ngày càng suy vi. Số dân trước 3 phần nay chỉ còn 2 phần…
Đương thời năm Thành Thái nguyên niên, tức tháng 3 năm Kỷ Sửu (1889).
Toàn thể hương chức đồng ký”.
Bảng “Nêu công ghi nhớ” này do hương chức thôn Tú Long lập vào tháng 3/1889 đã khái quát được địa hình thôn Tú Long xưa có trung tâm nằm ở khu vực đình Tú Luông, thuộc phường Đức Long hiện nay. Đặc biệt chữ Tú Long bằng Hán tự trong “Khuê chí” là chứng cứ quan trọng để xác định ý nghĩa từ này. Đồng thời trong bản dịch Việt, từ Tú Luông cho thấy có sự liên hệ rõ ràng giữa cách viết và cách đọc địa danh này từ xa xưa.
Ông Bảy, người cung cấp bản phiên âm Hán Việt và bản dịch “Khuê chí” giải thích thêm, nghe nói xưa có một nhánh của sông Cà Ty chảy băng qua trung tâm thôn Tú Luông đổ ra thành cửa biển ở vị trí bây giờ là chùa Long Ngự, thuộc phường Đức Long. Thời kỳ đó dân cư làm ăn sung túc nên dựng đình thờ Thành hoàng bổn cảnh (thần trông cõi đất mình) rất sớm là điều dễ hiểu.
Lần khác theo đường Tú Luông rẽ phải, tôi vào đình Tú Luông qua cổng hội quán. Trên chính giữa cổng có khắc 4 chữ Hán; “Tú Long Hội quán” (繡龍會舘). Chữ Tú Long ở đây viết giống như chữ Tú Long trong bảng “Khuê chí” (Bảng nêu công ghi nhớ). “Từ hai căn cứ này có thể khẳng định tên đình Tú Luông hiện nay có nguồn gốc Hán tự là Tú Long. Tú có nghĩa là rất tốt đẹp. Long là rồng. Địa danh Tú Long có nghĩa là vùng đất có hình rồng rất tốt đẹp. Vấn đề đặt ra là vì sao tên tự Tú Long được gọi trại đi là Tú Luông?”.
Đình Tú Luông.
|
Theo ông Lê Văn Bảy, năm 1936 vua Bảo Đại sinh hoàng tử Bảo Long (保隆),chữ Long bị cấm gọi trong dân gian, nên từ đó tên đình Tú Long được gọi thành Tú Luông để tránh phạm húy. Tuy nhiên, qua tra cứu từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, tôi thấy chữ Long trong tên hoàng tử Bảo Long nghĩa là thịnh vượng, giống như chữ Long trong niên hiệu vua Gia Long (嘉隆)(theo Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh). Nếu cấm kỵ phiên âm long thì phải cấm kỵ từ tên Gia Long. Do đó theo tôi tên Tú Long bằng Hán tự được gọi là Tú Luông kể từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, có thể gọi tên thôn trước rồi mới đến tên đình Tú Luông sau.
Đến đây có thể kết luận tên đình Tú Luông từ Hán tự Tú Long gọi trại đi là chính xác không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng vì sao nhà tiền hiền của đình Tú Luông có khắc chữ: “Đức Long tổ đường?”. Tôi có gặp cụ Nguyễn Văn Giác là người giữ đình Tú Luông trước đây, cụ giải thích giống như ông Lê Văn Bảy là: Năm 1946, do thực hiện tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, đình làng Nhuận Đức ở phía Đông bị triệt phá nên phải đưa sắc phong thành hoàng làng về thờ chung ở đình Tú Luông. Về sau hai đình hợp nhất, lấy chữ Đức của đình làng Nhuận Đức ghép với chữ Long của đình Tú Luông đặt tên mới cho đình Tú Luông là Đức Long tổ đường (tạm dịch: nhà chính thờ tổ làng Đức Long). Giai đoạn này cách mạng tháng Tám đã đánh đổ phong kiến nên việc dùng chữ long không còn cấm kỵ nữa. Hiện nay phía sau cổng Tú Long hội quán còn khắc hai câu đối bằng chữ Hán có thể minh chứng cho việc hai đình làng hợp nhất: “Long Nhuận hiệp thành quy nhất thống - Nhân dân hòa thuận thủy như chung”.
Tuy nhiên khi tôi hỏi vì sao tại mặt tiền nhà Đức Long tổ đường có khắc niên hiệu Khải Định thất niên 1922, thì cụ Giác và ông Bảy đều nói không rõ. Vì vậy, hai đình làng hợp nhất đặt tên Đức Long từ năm 1922 hay 1946 chưa xác minh được!
Tuy chưa rõ thời kỳ nào đình Tú Luông được đổi tên là Đức Long tổ đường, nhưng thực tế tên đình, làng Đức Long đã được gọi phổ biến từ năm 1946 đến sau ngày giải phóng. Sau này khi lập hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2001, lại lấy tên gọi cũ là đình Tú Luông vì đã gắn liền với lịch sử lâu đời. Do đó bây giờ đình lại có tên gọi chính thức là đình Tú Luông như hiện nay. Còn vùng đất có đình Tú Luông tọa lạc vẫn mang tên khi hợp nhất là (phường) Đức Long như lịch sử đã sắp đặt.
Do nguồn tư liệu còn ít, nên những ý kiến giải thích trên đây có thể chưa đầy đủ. Mong được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm để người dân Phan Thiết – Bình Thuận càng hiểu rõ và thêm yêu quý quê mình.
Hoàng Hạnh
No comments :
Post a Comment