Monday, September 7, 2015

Mất mùa và mất giá!

BTO- Giá xăng, dầu liên tục giảm, nhưng ngư dân Bình Thuận không vui, khi mất mùa cá ngay giữa chính vụ cá Nam. Thời tiết không thuận, cả tháng nay ghe thuyền đi biển về hầu hết từ hòa đến lỗ, nhiều ghe thuyền phải nằm bờ. Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc vụ cá Nam, ngư dân Bình Thuận đang hy vọng vào những chuyến biển tới.
Thu hoạch thanh long
Nông dân cũng không khấm khá hơn, sau đợt hạn hán khốc liệt, thanh long chính vụ không mất mùa mà lại mất giá thê thảm. Tháng 7 và tháng 8 hàng năm thanh long thu hoạch rộ, sản lượng đưa ra thị trường rất lớn, cộng với mưa nhiều, phát sinh dịch bệnh, nên giá thường giảm mạnh.
Đúng vào thời điểm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá, nên giá thanh long bị ép xuống thấp thê thảm. Nhiều thời điểm thanh long xuất khẩu bán tại vườn (loại đẹp) chỉ từ 3.000 đến 4.000 đ/kg, thanh long trái nhỏ chỉ còn 500 đ/kg, mà cũng khó bán, nhiều nhà vườn phải đổ bỏ. Ở Sài Gòn, thanh long 10.000 đ/4 kg bán đổ đống. Nông dân chỉ trông chờ vào vụ nghịch, nhất là thanh long cho vụ Tết sắp tới.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, một tình trạng đáng lo ngại là sự thao túng, ép giá của thương lái Trung Quốc. Báo Bình Thuận có loạt bài điều tra “Thương lái Trung Quốc “thâu tóm” thị trường thanh long Bình Thuận” phản ánh: Nhiều thương lái Trung Quốc đến Bình Thuận với danh nghĩa khách du lịch, nhưng họ không ở các resort ngoài Mũi Né, mà ăn ở ngay trong các vựa thanh long của người Việt, để điều hành việc thu mua. Khi đã xây dựng được chân rết thu mua là người Việt, thì họ thao túng thị trường, định đoạt giá cả lên hay xuống. Họ rất am hiểu mùa vụ thanh long ở Việt Nam, lợi dụng lúc đồng nhân dân tệ bất ổn nên ra sức ép giá khi thanh long đang thu hoạch rộ. Hầu hết vựa thu mua thanh long dựa vào giá cả do thương lái Trung Quốc đưa ra. Người thua thiệt nhất là nông dân Bình Thuận.
Chính quyền địa phương đã xử phạt 23 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp và kinh doanh thanh long trái phép, tổng số tiền phạt gần 500 triệu đồng. Song thương lái Trung Quốc có nhiều chiêu trò núp bóng tinh vi, không dễ phát hiện xử phạt được họ. Hơn nữa đây là vấn đề kinh tế, nên các biện pháp hành chính chỉ có tác dụng hạn chế.
Dư luận chờ đợi thấy vai trò của ngành công thương, của Hiệp hội thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp chủ lực của địa phương trong việc mở rộng thị trường, điều tiết giá cả, giúp nông dân tiêu thụ nông sản có lợi. Chuyện “được mùa, mất giá” không mới, nhưng nếu để thương lái Trung Quốc thâu tóm “một mình một chợ” thì người trồng thanh long không khác gì làm thuê trên đất của mình.
Đặng Dũng

No comments :

Post a Comment