Saturday, October 31, 2015

Dân dã bánh hòn

BT- Tiếng rao kéo dài, buồn của chị Ba Côi trôi theo từng vòng xe lăn nhưng dư vị của loại bánh có cái tên nghe không mấy cảm tình thì ở lại mãi với mỗi căn nhà mà chị Ba đi qua.
Bánh hòn bày bán ở Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết.
 Đó là món bánh mà ngày nhỏ có chút tiền nào mẹ cho, lũ trẻ thường mua ăn, dù rất nhiều bà mẹ dư biết cách làm loại bánh này. Này nhé, đầu tiên là chọn bột mì loại tốt, mới (để tránh sâu, mọt và dai). Đường cát phải là loại thật khô, hạt to hay mịn đều được. Dừa thì chọn trái vừa, không non quá khó bào lấy sợi nhưng cũng đừng già quá ăn bị xảm. Vài lạng đậu phộng sống về rang hoặc ít thời gian thì mua loại rang sẵn. Nếu muốn có màu cho đẹp thì dùng ruột gấc, nước cốt lá cẩm, lá dứa… không thì cứ để bột màu trắng. Nếu thích màu mè thì phải dùng phẩm màu, vậy là xong phần nguyên liệu để làm bánh hòn.
Nhào bột kỹ cũng giúp cho bánh thành phẩm chất lượng hơn. Xong, vo bột lại thành sợi dài, lấy dao cắt ra từng viên trên thớt. Tùy theo sở thích có thể nhận vào giữa viên bột một hạt đậu phộng rang hoặc không, vo tròn viên bột. Chỉ còn thao tác luộc bột, cho ra thau nước lạnh, vớt để ráo, trộn với dừa đã bào sợi nữa là hoàn thành. Những viên bánh hòn có hình tròn, to nhỏ không đều nhau, khi chín có màu trắng trong, dính những sợi dừa trông thật hấp dẫn. Khi ăn, tùy theo sở thích mà trộn với đường cát hoặc rắc lên trên một ít muối đậu hay muối mè. Dai, giòn, sựt sựt, thơm, ngọt, bùi là những điều mà vị giác cảm nhận được khi dùng cây tăm ghim mấy viên bánh hòn cho vào miệng...Và cũng chắc vì bánh có dạng hình hòn bi nên gọi thành tên.
Ở Phan Thiết giờ cũng còn một số người bán bánh hòn dạo, khách hàng không chỉ là trẻ con. Tiếng rao “Ai… bánh… hòn… đê…!” như một nốt nhạc loang vào không gian, thấm vào dạ dày người nghe.
Do nguyên liệu dễ kiếm, không cầu kỳ, không đắt tiền nên giá thành một thau bánh hòn không cao. Người bán bánh hòn, vì vậy, bán một gói bánh đầy chỉ chừng 5.000 đồng hoặc cao lắm là 10.000 đồng... Nhiều du khách ở xa đến Phan Thiết đã nếm qua, có dịp ghé lại thường nhờ người quen tìm cho bằng được và khu vực đồi cát Mũi Né bên cạnh nhiều món ăn đặc sản khác vẫn còn sự tồn tại của bánh hòn. Chị Ba Côi, khu phố 2, phường Lạc Đạo kể, trước chỉ bán xôi, sau thấy nhiều người hỏi nên làm thêm bánh hòn từ năm 1985 tới nay. Mỗi ngày chị nhồi 1,3kg bột, thành phẩm là một thau nhỏ bánh hòn, xếp vào cùng thau xôi. Tầm 16 giờ, người phụ nữ luống tuổi bắt đầu rong ruổi miệt biển Đức Long, Lạc Đạo rồi đạp tuốt lên Tiến Lợi. Đến khoảng 20 giờ thì bán hết. Quầy “fastfood” của Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết bên cạnh nhiều món ăn “tầm cỡ” cũng bày bán bánh hòn mà lạ là ngày nào cũng hết hàng sớm.
Không ai biết có từ lúc nào và có phải xuất xứ từ Phan Thiết hay không nhưng cho đến nay, món bánh hòn dân dã đã nghiễm nhiên trở thành đặc sản riêng có của vùng biển này và ít nhiều đã để thương để nhớ trong lòng mọi người.
Mai Kim Dung

Phan Thiết trên từng góc phố: 30 năm, một hàng bánh nghệ

BT- Hàng bánh nghệ nằm ở góc ngã tư Nguyễn Tri Phương – Ngô Sĩ Liên (phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết), từ lâu  trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người. Với diện tích vừa đủ đặt gánh hàng cùng vài chiếc ghế nhựa nhỏ và chỉ bán từ 6 - 9 giờ sáng mỗi ngày nhưng đặc biệt hút khách, kể cả khách du lịch.
Chị Hiền với hàng bánh nghệ. Ảnh: T.T
Chủ hàng tên Huỳnh Thị Ngọc Hiền, ngụ tại khu phố 6, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, ngoài tuổi 40 này nhưng đã có 30 năm với nghề bán bánh nghệ. “Làm bánh nghệ vừa vất vả vừa mất thời gian trong từng công đoạn nên ít người làm chịu làm chứ không phải tôi độc quyền!”, chị Hiền cười nói khi có khách hàng… thắc mắc.
Bánh nghệ được chị Hiền làm từ gạo, nếp và không chất phụ gia. Muốn bánh trắng, dai, thơm thì phải chọn loại gạo ngon, theo tỷ lệ 2 phần gạo, 1 phần nếp. Gạo ngâm nước cho nở rồi mang đi xay, để bột thật ráo nước. Lấy khối bột đặc ra bóp thật nhuyễn, trộn thêm vào ít bột lọc rồi cho vào nồi hấp khoảng 20 phút sau thì dùng máy đánh bột đánh cho thật nhuyễn, vừa đánh vừa cho thêm nước bột vào cho bột có độ mềm…
Bánh nghệ có màu trắng đục và mùi thơm của gạo. Nước mắm chấm bánh là nước mắm giã tỏi, ớt, chanh rồi nêm vừa ăn sao cho không quá ngọt hoặc mặn. Trong trí nhớ của những cụ cao niên thì ngày xưa bánh nghệ Phan Thiết được ăn kèm với xíu mại còn giờ đây, người bán lại cho thêm vài món phụ như chả lụa, chả cá, xoài xanh xắt nhuyễn cho thực khách dễ dàng chọn lựa. 
Một đĩa bánh nghệ giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng không chỉ ngon miệng mà còn hợp với túi tiền của người lao động.
Trinh Thơ

Lễ hội Halloween tại Lâu đài Vang RD

BTO- Lâu đài Vang RD nằm trong quần thể phức hợp khu nghỉ dưỡng 5 sao Sea Links City. Đến lâu đài Vang RD vào tối thứ 7 tuần này ngày 31.10.2015,  khách sẽ được tham gia tiệc Halloween tại Lâu đài Vang với nhiều món ăn hấp dẫn và được thưởng thức miễn phí dòng rượu vang hảo hạng RD - Napa Valley, được chưng cất, chế biến từ thung lũng Napa, bang California (Hoa Kỳ). Ngoài ra, đến với tiệc Halloween tại Lâu đài Vang khách còn có dịp tham gia các trò chơi trong lễ hội hoặc khiêu vũ giao lưu…
Khách tham dự sẽ mặc trang phục đỏ hoặc đen. Mặt nạ hóa trang sẽ do lâu đài chuẩn bị sẵn hoặc khách cũng có thể tự trang bị để tham gia tiệc.
 Đêm tiệc sẽ là một điểm nhấn thú vị cho du khách trong và ngoài tỉnh trong ngày nghỉ cuối tuần. Giá vé tham gia tiệc Halloween tại Lâu đài Vang là 600.000 đồng/người.
Q.T

Nghiệm thu và bàn giao tạm hạ tầng kỹ thuật Công trình Công viên cây xanh (dự kiến đặt tên Công viên Võ Văn Kiệt)

BTO- Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao tạm hạ tầng kỹ thuật Công trình Công viên cây xanh (dự kiến đặt tên Công viên Võ Văn Kiệt) cho UBND thành phố Phan Thiết tiếp nhận, quản lý. Tham dự có ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh.  
Khởi công từ ngày 24/7, công trình Công viên cây xanh do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư, sau 70 ngày thi công đến ngày 2/10 đã hoàn thành giai đoạn 1. Theo đó, các hạng mục được nghiệm thu và bàn giao tạm gồm: Giao thông nội bộ, sân vườn - cây xanh, sân tập thể dục thể thao, nhà vệ sinh công cộng, tường rào, điện chiếu sáng và trang trí, trạm biến áp, cấp thoát nước, san nền, thiết bị, sửa chữa vỉa hè. Công trình Công viên cây xanh là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII và dự kiến cuối tháng 10 sẽ chính thức bàn giao. 
H.Châu

Xóm cạy sò

BT- Đến xã Chí Công (Tuy Phong), ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ đủ lứa tuổi ngồi dọc các bãi sò, tay thoăn thoắt cạy. Nhất là thời điểm này, khi chuẩn bị bước vào mùa bấc, ghe thuyền lặn sò được mùa, các chị cạy sò càng thêm việc để làm.
Cạy sò tại xã Chí Công. Ảnh: T.L
Tầm 3 giờ chiều một ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại bãi sò thôn Hà Thủy 2, một trong 3 bãi sò của xã Chí Công. Con đường nhỏ ngoằn nghoèo, nằm lọt giữa hai dãy nhà dày kín của người dân. Người, xe tấp nập, rộn rã cả  xóm biển. Các phương tiện ở đây chủ yếu là xe máy, xe ba gác chở sò, cá đi tiêu thụ sau mỗi chuyến biển cập bờ. Sát con đường nhỏ là hình ảnh buôn bán tấp nập giữa các đầu nậu và chủ thuyền. Kế đó là hàng chục phụ nữ ngồi bên những núi sò, cặm cụi làm việc. Thiên nhiên  ưu đãi cho vùng biển này dồi dào hải sản, chủ yếu là các loại sò điệp, sò quạt, sò trai… Vì vậy, ở đây lúc nào cũng đông đúc người cạy sò, người  đánh bắt hải sản, thu mua,  nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã, nhất là phụ nữ nhàn rỗi.
Giữa cái nắng, gió mặn chát thổi từ biển vào, gương mặt ai nấy đều sạm đen. Để giảm bớt khô ráp, mỗi người đều trang bị cho mình một áo khoác dày, bịt kín mặt, đội nón. Ngoài ra, về dụng cụ cạy, chỉ cần có vài đôi bao tay, một cái ghế ngồi, cục đá đầu nhọn và một vài con dao nhỏ phù hợp, kèm theo thau chậu đựng cồi sò. Tôi bắt chuyện với Thu - cô gái có thâm niên cạy sò. Thu cho hay: Do gia đình khó khăn, nên  nghỉ học từ năm lớp 6 để cạy sò kiếm tiền. Thời gian đầu làm chậm,  ít sản phẩm, nhưng khi quen việc, mỗi ngày  thu nhập  từ 100.000 đến trên 200.000 đồng. Thu cho biết, mỗi ký sò thành phẩm, được đầu nậu trả từ 8.000 - 13.000 đồng. Nếu sò không ngâm nước sẽ được trả 15.000 đồng/kg.
Ở những xóm sò này có rất nhiều đầu nậu, điển hình như bà Nở. Chỉ riêng bà đã “thầu” 5 ghe thuyền và có từ 10 - 20 lao động gia công. Khi tàu thuyền cập bờ, bà sẽ đứng ra “bao” sản phẩm, sau đó phân loại, gồm hàng đông lạnh nhập vào Sài Gòn, hàng bán ra các chợ, nhà hàng… Còn lại là thuê nhân công địa phương xẻ lấy cồi. Mặc dù mỗi ngày có hàng chục phụ nữ đi cạy sò thuê, nhưng nhiều lúc có hàng tấn sò được khai thác,  nên người ta buộc phải thuê xe thồ chở lên các xóm trên để thuê người cạy với giá cao hơn.
Huệ - một người cạy sò chung với Thu cho biết: Làm nghề này ngồi nhiều giờ liền nên hầu như ai cũng bị đau lưng, tê mỏi chân. Còn đôi bàn tay thường bị phù nề vì ngâm nước nhiều và bị chai sạn, nứt nẻ do vỏ sò cứa trúng. Dẫu biết là nghề vất vả, nhưng những người phụ nữ như Thu, Huệ vì cuộc sống mưu sinh mà vẫn tiếp làm miệt mài với nghề.
Trời chập choạng tối. Rời xóm cạy sò, chúng tôi vẫn phải chen chúc giữa con đường hẹp. Sau lưng vẫn văng vẳng tiếng nói cười rôm rả của những phụ nữ cạy sò nơi xóm biển…
Trung Lương

Lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím: Địa chỉ kết nối du lịch của Bình Thuận

BT- Hàng năm, nhằm ngày 14/9 âm lịch, lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím chính thức được khai hội. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của ngư dân miền biển làng Tam Tân – xã Tân Tiến – thị xã La Gi.
Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức độc đáo, có nhiều đổi mới nhưng vẫn bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc dân tộc vừa quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Bình Thuận. Ngay từ sáng sớm ngày khai hội, hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đã tập trung về Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi để hành hương, cúng bái và tham gia Lễ rước nghinh thần, rước sắc phong từ mộ Thầy Thím về dinh. Đây được xem là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, bởi trong tâm thức của người dân, tham dự lễ hội từ sáng sớm là cách bày tỏ lòng thành kính đối với vị thánh hoàng lạc đã có công tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho vùng đất này. Trong thời gian, từ ngày 26- 28/10 (tức ngày 14 – 16 âm lịch) lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ nhập điện an vị, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng  gia binh … Qua các nghi lễ, khách hành hương có thể cảm nhận được những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, nét thuần phong mỹ tục và giá trị tâm linh. Cùng với đó, phần hội đã thu hút đông đảo du khách tham gia với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian mang đậm phong vị xứ biển như thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, thi đấu cờ người, thi làm bánh… Ngoài ra, ban tổ chức còn trưng bày, triển lãm mô hình sự tích dinh Thầy Thím và các gian hàng ẩm thực, mua sắm, giải trí để phục vụ khách hành hương đến tham quan.
Theo Ban tổ chức lễ hội Dinh Thầy Thím, người dân và du khách thập phương bắt đầu đổ về dinh hơn 2 tuần nay và tăng đột biến từ ngày 14 – 16/9 âm lịch. Để tránh tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong mùa lễ hội, Ban tổ chức đã xây dựng bãi giữ xe và mở rộng khu sinh hoạt cộng đồng để khách hành hương có  không gian rộng ăn uống, vui chơi. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường lực lượng đảm bảo tình hình an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường, hỗ trợ y tế cho du khách và hạn chế tối đa nạn ăn xin, chèo kéo du khách. Các điểm đến, khách sạn, nhà nghỉ trong địa bàn cũng đã được địa phương phổ biến, quán triệt về niêm yết giá cả để không xảy ra tình trạng chặt chém du khách. Anh Nguyễn Văn Ba – khách hành hương ở Long An cho biết: “Hàng năm, cứ vào dịp này gia đình tôi lại đến dinh Thầy Thím để tham dự lễ hội. So với mấy năm trước, năm nay tôi thấy tình hình an ninh tại dinh được đảm bảo hơn, đồng thời các gian hàng mua sắm và khu ăn uống được bày bán rộng rãi nên chúng tôi thoải mái nghỉ ngơi, ăn uống mà không bị chặt chém”.
Năm 1997, Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung không chỉ mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục mà còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím. Lễ hội Dinh Thầy Thím không chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến trong những ngày diễn ra các hoạt động lễ hội mà đã trở thành mùa lễ hội trong suốt tháng 9 âm lịch. Ước tính, trung bình hàng năm vào mùa lễ hội này, thị xã La Gi đón khoảng 300.000 lượt khách. Có thể nói lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím đã trở thành một địa chỉ kết nối du lịch tỉnh nhà và được nhiều người trong, ngoài nước biết đến.
THANH THỦY