Thursday, October 1, 2015

Dòng suối Tiên đổi màu vì ô nhiễm

BT- Suối Tiên là một địa chỉ du lịch được khá nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm mỗi khi đến với Hàm Tiến – Mũi Né. Thế nhưng thời gian gần đây, dòng suối này bỗng chuyển sang đục màu và có mùi hôi khó chịu khi trời nắng nóng.
Trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ
Nước xả thải không qua xử lý của Công ty Thiện Mỹ
Là hộ dân nhiều năm canh tác nông nghiệp từ khu đất đầu nguồn suối Tiên – thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp, bà T.T.H cho biết: Trước đây, gia đình bà thường sử dụng nguồn nước từ suối Tiên chảy ra để tưới cây trồng. Thế nhưng từ khi Công ty TNHH Mỹ Đoàn (nay là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ) đi vào nuôi cá sấu từ năm 2007, nước thải nuôi cá trực tiếp xuống suối khiến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng. Bà H cho biết thêm: “Trước đó dòng suối này rất trong, bà con thường xuống suối tắm rửa. Vậy mà giờ bước chân xuống cũng không dám vì sợ ngứa ngáy…”.
Cũng là một hộ dân có đất ngay sát khu vực Công ty Thiện Mỹ, ông H.V.H cho biết, vào những lúc đêm khuya, hoạt động xả thải từ trang trại nuôi cá sấu này tăng cường mật độ. Dòng nước ở suối Tiên trong những thời điểm nói trên chuyển sang đục và có mùi hôi, vô cùng khó chịu.
Được biết, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ do bà Nguyễn Thị Mỹ, tạm trú tại khu phố 9, phường Mũi Né làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty này là chế biến hải sản và nuôi cá sấu tại thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp. Tại thời điểm tháng 8/2015, công ty này có diện tích nuôi cá sấu là hơn 17.000 m², với 3.540 cá sấu lớn nhỏ được nhốt trong 50 chuồng nuôi. Mặc dù Công ty Thiện Mỹ đã đăng ký hoạt động từ năm 2007, thế nhưng tính đến thời điểm này, công ty vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải nuôi cá sấu theo như bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND TP. Phan Thiết. Bên cạnh đó, công ty này cũng không không thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần gửi về Phòng Tài nguyên – Môi trường Phan Thiết như quy định. Nước thải trong quá trình nuôi cá sấu được Công ty Thiện Mỹ xử lý như sau: Tất cả chuồng nuôi đều có bể nước để nuôi cá, mỗi bể có thể tích khoảng 3m3 nước; thông thường từ 7 - 20 ngày thì thay nước, vệ sinh chuồng trại một lần. Khi vệ sinh, thay nước thì nước thải theo ống nhựa Ø60 dẫn vào các hố ga ở 4 dãy chuồng, sau đó theo ống nhựa Ø120 chảy ra 3 ao sau trang trại mà không qua xử lý. Và cả 3 ao nước này đều kết cấu bằng đất, không chống thấm. Chính từ nguồn nước thải này đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng nước suối Tiên và môi trường sống của các hộ dân xung quanh.
Từ ngày trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ đi vào hoạt động, người dân sống dọc dòng suối Tiên, đặc biệt là hơn 30 hộ sống ở đầu nguồn liên tục kiến nghị chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm. Qua thực tế, nhiều đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, thành phố thanh tra hoạt động của trang trại này và phát hiện xử lý nhiều lỗi vi phạm. Trong đó, đáng lưu ý đến nay công ty này vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải dù hàng ngày trang trại tiếp nhận khoảng 300 kg cá để làm thức ăn cho khoảng 3.540 con cá sấu.
Mới đây, vào chiều 22/9, lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết cùng với các ngành chức năng đã đi kiểm tra thực tế tại trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiện Mỹ và khảo sát nguồn nước bị ô nhiễm tại Suối Tiên. Trước mắt, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu 2 địa phương Thiện Nghiệp và Hàm Tiến cần có biện pháp tuyên truyền, vận động Công ty Thiện Mỹ thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Nếu phía công ty cố tình không thực hiện, lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết sẽ căn cứ mức độ vi phạm thực tế để quyết định hướng xử lý kiên quyết tiếp theo.
Ngoài những hộ sản xuất nông nghiệp ở đầu nguồn bị ảnh hưởng bởi nguồn xả thải gây ô nhiễm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Mỹ, thì khu vực suối Tiên còn là địa điểm du lịch trọng điểm ở Hàm Tiến – Mũi Né. Nhiều du khách khi tham quan dòng suối này cũng cho biết chất lượng nước không còn mát mẻ, trong xanh như trước đây. Điều này dễ hiểu bởi thượng nguồn con suối đang tồn tại một trang trại nuôi cá sấu quy mô lớn, mà chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
CHÂU TỈNH

Vạch mặt giáo sư, tiến sĩ dỏm!

(PL)- Vị này còn lấy tư cách thạc sĩ tài chính Mỹ viết báo hướng dẫn cách để tỉnh Bình Thuận phát triển kinh tế (?).

Công an tỉnh Bình Thuận vừa thu giữ bằng tiến sĩ (được xác định giả mạo) của Trường ĐH Valderthilt, Mỹ cấp ngày 17-12-2010 cho ông Nguyễn Thành Tín, tức Tommy Tín cùng một số tài liệu để mở rộng điều tra vụ việc liên quan đến Viện Chiến lược kinh tế xã hội do ông Tín làm viện trưởng.
Ông viện trưởng “nổ”
Năm 2012, ông Tín cùng vợ thành lập Công ty Khảo thí và Phát triển giáo dục Việt Nam, trụ sở đặt tại TP Phan Thiết và được Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tiếp đến, vợ chồng ông Tín mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco chuyên dạy tiếng Anh, Hoa, Nga. Toàn bộ giấy tờ thủ tục thành lập công ty, trung tâm đều do người vợ đứng tên.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, vào tháng 10-2013, UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép cho Viện Chiến lược kinh tế xã hội (thuộc một hội liên hiệp khoa học kinh tế) được phép trú đóng trên địa bàn tỉnh. Viện này do ông Tommy Tín làm viện trưởng, có đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan công an.
Sau khi trở thành viện trưởng, ông Tommy Tín được nhiều tờ báo viết bài lăng xê ca ngợi ông là “Người tiến sĩ bén duyên với Bình Thuận”, còn Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco là “Nơi bắc chiếc cầu văn hóa Việt-Anh”… Với tư cách viện trưởng, ông Tín còn ký được hợp đồng dạy tiếng Anh cho cán bộ, đoàn viên nhiều cơ quan trong tỉnh Bình Thuận. Lễ khai giảng khóa học, logo của Viện Chiến lược kinh tế xã hội được treo giữa hội trường của tỉnh.
Ngoài ra, ông Tín còn đứng tên tác giả bài báo “Bình Thuận: Dưới góc nhìn của nhà kinh tế”, hướng dẫn cách để tỉnh Bình Thuận phát triển gây xôn xao dư luận. Khi viết bài báo này, ông Tín lấy tư cách là thạc sĩ tài chính của Học viện Massachusett, Mỹ và là người từng viết hai cuốn sách “bom tấn” về kinh tế (Kinh tế chiến lược toàn cầu và Tài chính phố Wall và nền kinh tế nước Mỹ).
 
Lễ khai giảng lớp học tiếng Anh của cán bộ, viên chức tỉnh Bình Thuận do Viện Chiến lược kinh tế xã hội” tổ chức. Ảnh: CTV
Ông Tín tự giới thiệu mình là giáo sư nhiều trường ĐH của Mỹ; giám đốc tài chính chi nhánh Ngân hàng Chicago; cố vấn cấp cao của Walmart, IBM, Pepsi, General Motor...; giám sát viên Chương trình cứu trợ lương thực Liên Hiệp Quốc…
Thừa nhận mua bằng dỏm
Những lời lẽ đao to búa lớn cùng cách hành xử của ông viện trưởng khiến nhiều người nghi ngờ. Từng giới thiệu sinh năm 1980, năm 17 tuổi săn được học bổng sang Mỹ du học và ở quốc gia này hơn 10 năm trước khi trở về quê hương nhưng ông Tín lại… quên luôn tiếng mẹ đẻ, phát âm lơ lớ rất khó nghe. Tiếng Việt đã vậy, tiếng Anh còn chán hơn. Nhiều người giỏi tiếng Anh từng trao đổi với ông viện trưởng này đều cho hay hai bên giao tiếp rất khó khăn. Lý do ông Tín đưa ra là mình nói giọng vùng Tây Bắc nước Mỹ nên khó nghe!
Chính những dấu hiệu bất bình thường trên khiến ông viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế xã hội lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an. Khi bị cơ quan an ninh triệu tập, Tommy Tín thừa nhận mình sinh năm 1989, còn CMND có năm sinh 1980 là giả mạo để phù hợp với thời gian “du học” ở Mỹ! Ông Tín cũng thừa nhận mình thành lập Viện Chiến lược kinh tế xã hội nhằm bảo trợ chuyên môn cho Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco. Để được các cơ quan liên quan tin tưởng, năm 2012 ông Tín đã mua bằng tiến sĩ dỏm tại TP.HCM.
Mở rộng điều tra, cơ quan an ninh được biết ông viện trưởng Tín có hộ khẩu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông này chẳng đi du học ngày nào và cũng chẳng phải là Việt kiều. Ngoài việc thu giữ bằng tiến sĩ dỏm, cơ quan công an cũng đã lập biên bản thu giữ giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu “Viện Chiến lược kinh tế xã hội”; mẫu dấu và con dấu “Hội đồng viện” để tiếp tục làm rõ.
Viện trưởng phải có trình độ tiến sĩ
Theo Nghị định 08/2014 và Thông tư 03/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngoài các tổ chức KH&CN công lập thì còn có loại hình ngoài công lập. Tổ chức này có thể gọi là viện, trung tâm... do Sở KH&CN tỉnh, thành cấp giấy chứng nhận. Trường hợp doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức khác thì phải có quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức đó. Viện, trung tâm đều phải có ít nhất năm người lao động có trình độ đại học trở lên. Nếu là trung tâm thì giám đốc trung tâm chỉ cần trình độ đại học trở lên, còn nếu là viện thì viện trưởng phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực hoạt động chủ yếu (viện do Nhà nước lập có thể không cần đáp ứng quy định này). Giám đốc, viện trưởng phải nộp lý lịch khoa học khi xin thành lập.
Q.NHƯ

PHƯƠNG NAM