Friday, August 21, 2015

Nghĩ suy chuyện môi trường: Đừng “bức xúc”… hãy xắn tay

BT- Một  sáng,  H. một phóng viên khá tiếng Anh, bảo: “Trên báo nước ngoài họ nói về chuyện rác ở Mũi Né. Có ảnh chụp cảnh họ đi nhặt rác trên bãi biển”. “Thế thì dịch đi”- tôi bảo.
Rác nằm la liệt trên các bãi tắm tại Mũi Né, Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc
 Tập quán và lối sống
Bài báo của cô phóng viên sau đó ít nhiều tạo nên sự chú ý khi  người lãnh đạo cao nhất tỉnh khi ấy đã nhắc Phan Thiết lưu tâm đến vấn đề rác. Thú thật, khi nghe phản hồi về bài báo, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì bài báo chạm đến một vấn đề thiết thực qua đó du lịch Bình Thuận có thể phát triển hơn, còn buồn vì chuyện rác ở Mũi Né lên báo nước ngoài cho thấy, từ rất lâu rồi rác, rộng ra là chuyện môi trường ở Mũi Né chưa được coi trọng lắm.
Rất nhiều người nói đến bảo vệ môi trường nhưng hành động thật sự vì môi trường thì có mức độ. Nó chẳng khác gì chuyện nhiều người cứ nói “Phan Thiết là thành phố du lịch”, nhưng một dạo xe chở xác mắm vẫn cứ chạy giữa lòng thành phố và nước cá cứ chảy ra đường, bốc mùi tanh tưởi làm những ai chưa sống lâu ở thành phố này gặp cảnh ấy không tránh khỏi nôn ọe. Chính vì vậy, nhiều lần tôi tự hỏi  nguyên nhân từ đâu mà môi trường, đặc biệt môi trường du lịch chậm được cải thiện theo hướng tốt hơn? Có thể vì tập quán của cư dân vùng biển, khi mà người dân thấy việc xây một một cái nhà vệ sinh không quá cần thiết bởi ai cũng có thể giải quyết  “đầu ra” trên bãi biển vào buổi sáng, ban đêm? Và nữa,  biển trong  ý thức của nhiều ngư dân là nơi cung cấp nguồn sống, nhưng cũng là nơi nhận hết, vùi đi  rác rưởi vì vậy nhiều người cứ vô tư thải rác xuống biển! Tập quán và lối suy nghĩ đó ăn sâu trong trí nhiều người rồi khi gặp một chính quyền địa phương không quá coi trọng việc bảo vệ môi trường, ô nhiễm môi trường tất yếu nảy sinh và ngày càng trầm trọng.
Còn  nông thôn thì sao? Nhiều lần tôi tự hỏi rằng vì sao rác thải cứ được vứt thành đống hai bên đường nông thôn, ở ngay những nơi có bảng cấm đổ rác! Lý do được đưa ra là do không có chỗ đổ rác, xe đổ rác không tới… Giải thích  đó vô tình làm người ta nhớ có một thời nông thôn rất ít rác thải. Đó là thời dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi nhà đều có hố rác trong vườn, trước sân và lâu lâu lại  đốt  đi, vì thế đường làng, ngõ xóm rất sạch sẽ. Những điều ấy  bây giờ  mấy nơi còn áp dụng? Có lẽ các địa phương khi xây dựng khu phố văn hóa, làng văn hóa cần quy định mỗi nhà có một hố chôn rác, hoặc các thùng phân loại rác dùng cho nhiều mục đích khác nhau, qua đó hạn chế rác thải ra môi trường, hướng tới cuộc sống văn minh - sạch đẹp, dù là ở nông thôn.
Ý thức cộng đồng và đề án
Những ngày gần đây rác thải  đang là vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều người có trách nhiệm  của Phan Thiết. Có ý kiến cho rằng cần lắp camera để xử phạt “nóng” những người xả rác;  xử phạt du khách nếu thải rác không đúng quy định (như Singapore!)...  Những ý kiến ấy thể hiện ước muốn môi trường của thành phố trở nên tốt hơn nhưng không thể cấm người nghe đặt câu hỏi: Những biện pháp trên nếu thực hiện  liệu có thật sự hiệu quả và UBND thành phố Phan Thiết  có đủ tiền để lắp đặt camera ở những điểm nóng, chưa kể phải duy trì đội ngũ theo dõi, xử phạt?  Đó chỉ  là những biện pháp  sau cùng, sau khi có một số biện pháp làm tiền đề, hướng đến việc thay đổi tập quán lạc hậu,  hành vi không được  chấp nhận là xả rác ra môi trường. Nói khác đi, cần  xây dựng “ý thức vì cộng đồng” trong mỗi người dân, đó là ý thức  không  chỉ biết  riêng  mình mà còn  vì cộng đồng. Một người có ý thức cộng đồng chắc hẳn sau khi bẫy được chuột sẽ không ném ra đường như hiện nay; hoặc sẵn sàng vứt rác ra đường… để sân nhà mình được sạch như một số người đã làm. Thế nhưng, xây dựng ý thức vì cộng đồng đó không phải ngày một ngày hai, cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều giới. Đã từ lâu tôi cảm nhận ý thức vì cộng đồng của một bộ phận trong chúng ta chưa tốt. Có địa phương trong một năm đề xướng không ít phong trào thi đua nhưng đường vào làng thì đầy rác và coi đó là “chuyện  nhỏ”.
Những năm gần đây, ở nông thôn, tình trạng rác thải  tràn lan có phần giảm đi khi bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí bắt buộc của chương trình  xây dựng nông thôn mới, vì vậy nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên để việc bảo vệ môi trường trở nên bền vững, căn cơ  thì rất cần xây dựng  đề án bảo vệ môi trường. Một khi có đề án sẽ có các bước thực hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn.
Đà Nẵng là một ví dụ tốt về đề án “Thành phố môi trường” với 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn tập trung giải quyết 1 - 2 vấn đề như ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các nhà máy xí nghiệp, chế biến thủy sản. Đà Nẵng còn tổ chức những “Ngày chủ nhật xanh” và mọi người dân trong cùng một tuyến phố đều ra đường gom rác, dọn dẹp những nơi uế tạp. Các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ đều xây dựng “Câu lạc bộ xanh”, “Vì biển xanh” để vận động người dân  bảo vệ môi trường. Cũng là thu gom rác bằng xe, nhưng Đà Nẵng quy định rất sát ngày giờ gom rác  của từng con đường. Đúng giờ gom rác và  khi xe rác chạy qua rồi, người đân không được phép đưa rác ra trước nhà, trước đường… Kết quả là môi trường Đà Nẵng chỉ trong thời gian ngắn tốt lên hẳn, khách du lịch đến nhiều hơn, được công nhận là thành phố có hàm lượng các-bon thấp.
Những phong trào xanh
Trở lại câu chuyện rác thải ở  Phan Thiết, chúng tôi nghĩ, ngoài việc xây dựng đề án bảo vệ môi trường, cần hình thành nhiều phong trào hướng đến xanh - sạch- đẹp. Không ai cấm một bộ phận, một nhóm thanh niên tổ chức về nguồn đôi lần trong một số năm (điều đó cần thiết để nuôi dưỡng truyền thống yêu nước), nhưng nếu chỉ cần bớt một ít thời gian, đi về vùng sâu nào đó còn có vấn đề về môi trường, vận động người dân làm hố xí tự hoại; thuyết phục ngư dân không thải rác xuống biển thì chắc chắn biển sẽ sạch hơn, môi trường vùng biển sẽ tốt hơn… Chúng tôi nghĩ đến một nét đẹp  thời đất nước mới giải phóng là “Ngày thứ bảy lao động công ích”, được nhiều người hưởng ứng và nhờ đó nhiều doanh trại, đường thôn trở nên sạch đẹp.
Rác thải đang là câu chuyện mở. Cần sự góp ý kiến của nhiều người để có những biện pháp hợp lý.  Nên chăng  lúc này cần đề cao ý thức vì cộng đồng. Giáo dục ý thức cộng đồng tương tự như  giáo dục lòng yêu nước cần bền bỉ và lâu dài. Hãy bớt đi những phong trào mang tính hình thức. Hãy đi thẳng vào vấn đề môi trường, bằng những phong trào “thành phố xanh, biển xanh”… trong một thời gian đủ dài để làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận công dân vốn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Một khi người dân có ý thức cộng đồng, các biện pháp cơ bản đã thực hiện rồi, không lo gì TP. Phan Thiết không sạch đẹp.
Hà Thanh Tú

No comments :

Post a Comment