Những người câu biển
BT- Chiếc thuyền BTH 443... rời bãi ngang Kê Gà chạy ra biển chừng một trăm mét thì thả neo. Thủy triều đang rút, chừng vài tiếng nữa bãi ngang rộng ra, tưởng chừng người trong đất liền muốn sang tháp đèn biển trên hòn đảo nhỏ trước mặt, không phải dùng thuyền nữa. Sóng biển bập bềnh. Trên thuyền lúc này gồm có 5 người đàn ông và một thằng nhỏ chừng 11 tuổi. 5 người, bao gồm ông Quát, chủ thuyền, ngoài sáu mươi da đen đũi, tay chân thô ráp, còn 4 người kia là những người ở Sài Gòn ra thuê ông Quát lái thuyền cho họ câu đêm trên biển. Ông Quát, sau khi đã neo thuyền, ngồi bên ngoài ca bin máy vấn điếu thuốc rê phì phà nhìn ra mặt biển, vẻ tư lự. Trong khi đó, Nhum (con trai ông) - thì ngồi xổm, hai tay chống xuống sàn thuyền coi mấy người đi câu buộc chì và lưỡi vào cần câu. Không ai vội vì nắng chưa tắt hẳn. Ở phía Tây, mặt trời còn chói lòa, dát vàng, dát bạc trên một góc biển, chỗ Hòn Lan, cách mũi Kê Gà độ chừng vài cây số. Những người câu và cả ông Quát đều biết rằng: muốn câu được cá các loại phải chờ đêm xuống. Đêm là lúc những người đi câu thi gan cùng sóng gió, cũng như chứng tỏ sự khéo léo của mình trước những con cá mù tăm bên dưới mặt nước. Một thú vui kèm theo sự mệt mỏi, chịu đựng và cả sự nhẫn nại.
Con cầu gai
Đang loay hoay buộc chì, những người đi câu nghe tiếng ông Quát nói từ phía sau: “Mấy anh ơi, mấy giờ thì các anh còn lại ra tới đây? Tui hỏi để còn nhờ thúng chai đưa họ ra thuyền”. Thì ra ngoài việc chờ đêm xuống, chiếc thuyền câu còn chờ thêm người. Tiếng người đàn ông nói giọng miền Trung đáp lại: “Dạ khoảng một tiếng hay hơn một chút, anh. Mấy ảnh vừa điện cho biết: Đang trên đường ra và đã mua thức ăn cho cả thuyền. Anh không phải lo bữa tối cho bọn tôi”.
Thuyền bập bềnh. Ông Quát sau khi hút xong điếu thuốc thì vào trong thuyền giở thùng gạo ra xem. Còn khá nhiều gạo. Đêm nay khi thuyền chạy đến đoạn ngang với Đá Nhảy, đèo Tùm Lum trong bờ, ông hy vọng sẽ câu được cá hanh. Chỗ đó cá hanh rất nhiều. Có cá phải nấu cho anh em nồi cháo để mọi người dưỡng sức. Câu cá đêm ngoài gió biển, sóng nhồi rất ghê, ai không có sức khỏe không chừng phải vô khoang nằm sớm. Loay hoay với thùng gạo một lúc, ông Quát lại kéo chiếc rổ nhựa thường đựng các loại gia vị ra xem. Còn bộn thứ, đủ sức nêm cho hai nồi cháo cá lớn. Đúng lúc đó Nhum bước vào trong thuyền, nói: “Con coi bộ mấy anh này không rành câu hơn mấy chú chuyến trước đâu ba”. “Sao mầy biết?”. Vẫn thằng Nhum: “Mấy ảnh lượm con cầu gai mắc kẹt ở mũi thuyền, hỏi con là con gì? Đi câu rành phải biết chớ!”.
Nghe con nhắc tới con cầu gai, ông Quát trầm ngâm một lúc. Mấy lúc gần đây ở Kê Gà, những chiếc thuyền nhỏ như ông thường đi lặn cầu gai. Cầu gai bán cũng được tiền như con hào cạy ở bờ đá. Hôm qua ông chở mấy sọt cầu gai cho một bà trong làng. Con cầu gai thằng Nhum nói nằm trong số đó. Nghĩ tới đấy, ông Quát lại nhìn ra mặt biển. Nắng chiều bớt vàng đi và mặt biển đang chuyển sang màu sậm. Chừng nửa tiếng, một tiếng nữa, gió sẽ nhiều hơn và bóng tối trùm lên... Khi ấy, mọi chiếc thuyền đi trên biển đều phải lên đèn. Ông Quát bảo con: “Để ba nói chuyện này với mấy ảnh”. Người chủ thuyền bước nhanh trên be thuyền ra chỗ mấy người đàn ông đang túm tụm... Giọng ông sang sảng: “Cái con mấy anh hỏi là con cầu gai. Biển Kê Gà này có thứ đó. Nhưng muốn bắt nó phải có nghề vì gai của con này đụng vô nhức lắm. Từ chỗ thuyền mình đây, bơi ra bên ngoài hòn đảo trước mặt chừng một chục thước là có cầu gai”. “Mấy lần em câu đêm ở biển Phan Thiết, nghe người ta nhắc tới nhưng chưa rõ lắm” - người đàn ông nói giọng miền Trung góp chuyện. “Anh em mình nhiều người chưa thấy hả? Thôi được, năm thuở mười thì tui mới gặp anh em, để tôi đãi anh em một bữa”. Đứng ở đầu thuyền, ông Quát gọi thằng con lấy cho mình cái túi lưới và đôi bao tay vải. Rồi mặc cho mấy người đi câu ngạc nhiên, ông cởi bộ đồ dài, chỉ mặc trên người chiếc quần cộc, đeo găng tay, nhảy xuống biển. Người chủ thuyền giơ cao cái túi lưới lên khỏi mặt nước, bơi một tay, hướng ra bên ngoài hòn đảo. Mấy người đi câu biển thấy ông lặn hụp một hồi và khi ông bơi trở lại, trong chiếc túi lưới gần như đầy những con vật hình tròn dẹt, gai tua tủa, con to nhất như quả cam sành. Ông Quát bảo thằng Nhum lấy cái thớt, mang dao, rồi mặc cho những người đi câu ngạc nhiên, ông dùng dao chặt từng cầu gai thành hai nửa. Rồi với từng nửa của con cầu gai, ông dùng thìa múc từng tí thịt màu trắng hồng, bỏ vào trong cái tô nhỏ. Vừa làm việc đó, ông vừa nhìn ra mặt biển. Ông lo, cả túi cầu gai nếu không xử lý xong trước khi trời tối thì sẽ khó ra vì đèn trên thuyền ông là loại bóng nhỏ, ánh sáng không được nhiều.
Tiệc đêm
Cuối cùng cũng xong cả túi cầu gai. Trong cái tô to lúc này, có hơn nửa tô thịt màu trắng hồng pha vàng, tanh tanh như mùi biển... Ông Quát chưa dặn gì con nhưng ở khoang sau của thuyền, Nhum đã gầy xong bếp lửa than. Quen việc cha làm, Nhum lấy một chiếc xoong, bỏ vào đó một ít gạo, nấu nồi cháo. Hai cha con không ai nói lời nào nhưng việc cứ thế làm. Khi nước trong nồi vừa nóng, ông Quát đặt xuống trước mặt Nhum cái tô thịt cầu gai, nói: “Ba nêm tiêu, đường, bột ngọt rồi đó. Chỉ thiếu chút hành. Con giã thêm hành bỏ vô. Đừng nấu đặc nhưng cũng đừng loãng quá”. Nhum lẳng lặng làm theo lời dặn. Nó không để ý đến chuyện có ai đó ở trên bờ đang réo tên ba nó. Ông Quát nói: “Nhum à, có thúng đưa người ra thuyền, con theo vô mua một ít bia được không? Tối nay ba con mình đãi mấy anh một bữa”. Nhum hỏi lại: “Ăn cháo mà sao uống bia ba?”. “Cái tô thịt hơi nhiều. Nấu một nửa với cháo thôi con. Còn lại, nặn chanh nhiều vô cho mấy ảnh thưởng thức. Ăn thịt cầu gai sống với chanh, uống bia là số zách”. “Nhưng mấy chú còn đi câu mà ba?”. Tiếng ông Quát dỗ dành con: “Mỗi người uống một chai thôi con. Không nhiều đâu. Ba coi mấy cái ông bụng bự sư này, mỗi ông uống một chục chai mới say”. Trong lúc hai cha con họ trao đổi, dưới nước có tiếng chèo khua, rồi tiếng của một phụ nữ the thé vang lên: “Ông Quát đón khách Sài Gòn ra đi. Mấy anh từ từ, chờ người trên thuyền đưa tay xuống kéo đã. Cũng đừng đứng lên, ngồi yên, chờ tới từng người”. Lúc này ông Quát biết, mấy người đi câu chủ động thuê thúng ra thuyền, thay vì chờ đợi. Ông giơ tay kéo từng người lên thuyền cũng như không quên nhắc thằng Nhum vô bờ.
Thằng Nhum đi rồi, ông Quát thay con lo nồi cháo. Ông cũng cắt những lát chanh nhỏ bỏ vào trong chiếc đĩa, sẵn sàng cho bữa tiệc nhẹ trên thuyền. Ông nghĩ mấy người khách chắc ngạc nhiên trước một thức ăn lạ. Mà đã lạ thì họ sẽ nhớ vùng đất, con người ở Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam này thôi. Lại nói về những người thuê ông Quát. Sau khi nhóm người đi sau lên hết thuyền, người đàn ông nói giọng miền Trung thông báo với cả nhóm về đêm câu, về chủ thuyền, một người mà theo anh ta biết có nhiều kinh nghiệm câu cá đêm. Theo đó, ông Quát sẽ đưa thuyền ra cách bờ 5 hải lý rồi từ đó chạy về hướng Phan Thiết để mọi người trổ tay nghề. Trên đường có hai điểm dừng để mọi người câu cá hanh. Cũng có thể trong lúc thuyền chạy chậm, ai muốn câu rê thì cứ việc. Dứt câu chuyện về câu kéo, người đàn ông quay sang đề nghị nhóm câu chuẩn bị bữa tối. Sau việc đó, anh ta bước về phía đuôi thuyền, hỏi mượn chén, đũa. Thấy ông Quát ngồi khuấy nhẹ nồi cháo, hỏi: “Làm gì đó anh?”. Ông Quát không trả lời thẳng: “Tối nay tôi đãi các anh món cháo cầu gai, với món thịt cầu gai ướp chanh ăn sống thay mù tạt. Món này bổ dưỡng lắm. Ngày trước vua chúa từng biết tới. Vị vua nào thưởng thức món cầu gai rồi thì một đêm vui vẻ với mấy bà cũng hổng sao, sáng ra vẫn cỡi ngựa, bắn cung đàng hoàng! Đó là tui nghe người ta kể, chớ tui thì chỉ biết nó hơn hẳn cái “củ” kia của con dê đực mà người ta gọi là “hoắc dương” gì đó”. Người đàn ông người Sài Gòn ngạc nhiên: “Bọn em có mấy thằng chưa vợ. Anh cho nó ăn thứ này thì khổ”. Ông Quát cười hề hề: “Ông biết thằng nhỏ nhà mình tên Nhum chớ. Cầu gai còn gọi là con nhum. Hồi đó, mình gần năm mươi rồi mà chưa có mụn con. Bạn bè nói ăn nhum sẽ như ý. Vậy là ra biển mình cứ bắt nhum về làm đủ món, trong đó có món thịt nhum nặn chanh, ăn với muối tiêu. Đêm đầu tiên mụ vợ ngoài bốn mươi của mình rên hừ hừ. Đêm sau mụ ấy hét như sắp cháy nhà… cuối cùng sinh ra nó. Nó là kết quả của việc ăn thịt nhum… Để kỷ niệm mình đặt tên nó là thằng Nhum luôn. Thịt nhum là vị thuốc tráng dương, bổ thận vậy đó chú”…
Hai người đàn ông mãi trò chuyện về con nhum, không hay Nhum đang ngồi thúng trở ra thuyền. Rồi khi thằng nhỏ leo lên thuyền, bữa ăn liền được dọn ra. Người đàn ông nói giọng miền Trung lại giới thiệu bữa ăn tối với mọi người. Đến món cháo nhum, anh này trang trọng như MC đám cưới: “Thưa quý anh em, đêm nay bác Quát, chủ thuyền sẽ đãi chúng ta món cháo cầu gai mà tôi gọi nó là con tăng lực. Ăn con tăng lực vô, anh em mình sẽ câu suốt đêm mà vẫn sung, sung cho tới khi về đến nhà gặp mấy bả...”. Nói xong người đàn ông cười hì hì. Ông Quát cũng cười, một nụ cười chân thật, rạng rỡ ít thấy ở người chủ thuyền.
Ký: Hà Thanh Tú
No comments :
Post a Comment