1. Đồi cát - Mũi Né: Hay còn gọi là Đồi Cát Bay - một trong những bãi cát trải dài hàng cây số và lan rộng. Nằm trải dài 2 tỉnh từ tỉnh Bình Thuận đến Ninh Thuận nhưng điểm tham quan chính của đồi cát và được xem là đẹp nhất nằm trên đường ra Mũi Né - nằm đối diện Suối Tiên và nhà hàng Hương Trà.
Cát ở đây có gần vài chục màu khác nhau. Đã từng làm say lòng các nghệ nhân tranh cát khi miệt mài tìm kiếm nguyên liệu để sáng tạo ra nhiều bức tranh bằng cát với nhiều màu sắc độc đáo.Việc tạo nên hàng trăm nghìn hình dáng của cát là do gió bào mòn và thổi bay lớp cát mỏng manh phía trên. Đây là điểm tham quan thu hút khá nhiều du khách do hình dáng đẹp của cát và màu sắc của cát. Bạn sẽ có được những khoảnh khắc đẹp về đồi cát khi đến nơi đây.
2. Thắng cảnh Hòn Bà: Hòn Bà là một thắng cảnh nổi tiếng từ xưa đến nay của tỉnh Bình Thuận. Với phong cảnh đẹp hoang sơ của đảo cùng với nền văn hóa Chăm tồn tại lâu đời ở đây sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm khá thú vị.
Đứng từ bờ biển Tân Bình phóng tầm nhìn ra biển Đông khoảng 2km, Hòn Bà như trơ vơ giữa biển nhưng không kém phần thách đố trước sóng biển, giông tố của đại dương mênh mông. Cả hòn đảo gần như phủ kín màu xanh của các loại cây cổ thụ có nhiều năm tuổi, khẳng định một sức sống mãnh liệt mà thiên nhiên đã ưu đãi và tạo nên một bức tranh thủy mặc quyến rũ, thơ mộng và đầy thách thức đối với con người.
Ngoài ra ở Hòn Bà vào đầu thế kỷ XVII người Chăm đã dựng lên một ngôi đền để thờ nữ Thần Thiên Y Ana vị Thần thiêng liêng của vương quốc Chămpa cổ. Ngôi đền thờ có kết cấu kiến trúc và trang trí nghệ thuật giống như ngôi miếu của người Việt cùng thời. Trong ngôi đền thờ, tượng nữ Thần Thiên Y Ana bằng đá, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên tại chỗ. Việc thờ tượng Bà ở trên đỉnh Hòn Bà thể hiện sự tôn vinh của người Chăm với nữ Thần. Mặt khác ở những thế kỷ trước đây, nghề biển là nghề chính thu hút đông đảo ngư dân Chăm ven bờ mà dấu vết của những làng ngư cỏ vẫn còn. Do vậy, việc thờ tượng Nữ thần ở đây cũng là sự cầu mong cho Nữ thần phù hộ, cứu nạn cho họ trên biển. Hàng năm người Chăm ở các nơi thường đến đây làm lễ cầu mưa và các nghi lễ tôn giáo khác.
3. Bãi đá Cổ Thạch: Thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, dân dã. Nơi đây nổi tiếng với ngôi chùa Hang cổ có từ hơn 100 năm nay, bên cạnh những bãi đá bảy màu tuyệt đẹp...
Với chiều dài 1,5km cùng với lớp dày nhất trên 2m, theo ước tính của các nhà khoa học, trữ lượng của bãi đá Cổ Thạch lên đến 245.000 tấn. Điều kỳ lạ là bãi đá qui tụ hàng trăm ngàn viên sỏi có hình dáng, sắc màu quái lạ.
Không như những viên sỏi dẹp, tròn, có màu xám, xanh như thường thấy, sỏi Cổ Thạch phong phú cấu hình như vuông, tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi. Kỳ lạ hơn, mỗi viên sỏi đều có sắc màu khác nhau như trắng, đen, vàng, nâu, tím, xanh, lam…, lại có viên đỏ như máu, vàng như ánh mặt trời, xanh như màu xanh ngọc bích của nước biển. Không những thế, mỗi viên đều có đường vân, hoa văn do dòng chảy của ngàn năm bào thành.
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng bãi thạch ngọc, du khách đi theo hướng Tây Nam của bãi đá có dãy thạch đồ nhấp nhô, đen bóng trông từ xa như thành quách, cung điện của ngàn năm trước. Bao quanh khối thạch cung này là bãi cát vàng hoang sơ có tên Bãi Tiên. Theo truyền truyết, nơi này đã từng có nhiều nàng tiên sa thiên tắm múa, hát ca. Dưới chân thạch cung có một hang động ăn sâu vào núi, thông lên phía sau Lầu Trống của chùa Hang.
Với những giá trị sinh thái, văn hóa và lịch sử mà cụm thắng tích (chùa Cổ Thạch, bãi đá Cổ Thạch) đã được Nhà nước xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.
4. Bàu trắng: Thuộc địa phận thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Bàu Trắng hình thành từ lâu đời. Trong tiếng địa phương Bàu có nghĩa là “hồ”. Bàu Trắng gồm có 2 bàu là bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà diện tích 70 ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình là 5m, nơi sâu nhất là 19m vào mùa mưa. Nằm giữa những triền cát trắng nên Bàu Bà còn được gọi với cái tên Bàu Sen bởi sen trong hồ vào mùa nở hoa phủ kín cả hồ. Hệ sinh vật ở Bàu Sen rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt.
Bàu Trắng còn hoang sơ và mộc mạc. Thế nhưng chính cái nét hoang sơ và mộc mạc ấy với những triền cát trắng, với tiếng sóng rì rào của biển như có ma lực thu hút những người mê cái đẹp về với nơi đây để tìm cảm hứng sáng tác nghệ thuật.
5. Cù Lao Câu:
Đảo Cù Lao Câu hay còn gọi là Hòn Câu, cách đất liền chừng 7 hải lý và cách TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 110km về hướng Đông Bắc, có chiều dài trên 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất chỉ 7m, nổi lên giữa biển khơi như một “chiến hạm”.
Đảo có bãi biển tuyệt đẹp với làn nước màu ngọc bích trong veo, bãi cát trắng hoang sơ nằm bên hàng ngàn khối đá nhiều màu sắc có hình thù độc đáo, đẹp kỳ ảo.
Do địa thế của từng khu nên nhiều cái tên độc đáo đã được dân đi biển đặt cho các bãi đá của hòn đảo nhỏ này, như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt... Ngoài ra điểm đặc biệt nhất của Hòn Câu là vùng nước xung quanh có sự hiện diện của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, đó là những rạn san hô và thảm cỏ biển, có giá trị lớn về đa dạng sinh học. Đây còn là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm. Suốt dọc đường, từ bãi biển Phước Thể, nơi tàu xuất phát ra đến đảo là vô vàn san hô. Nước trong veo, xanh ngắt để lộ bên dưới những rặng san hô sống đủ hình dáng, màu sắc. Do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi, nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa lớn trong việc duy trì và bổ sung đa dạng sinh học, nhờ vào khả năng thích ứng san hô với sự thay đổi khí hậu.
6. Hải đăng Khe Gà: Ngọn hải đăng cổ xưa nhất ở Đông Nam Á - hải đăng Kê Gà với gần 200 bậc thang xoáy trôn ốc có tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 35m.
Ngọn hải đăng cổ được người Pháp cho xây dựng từ năm 1897 và hoàn thiện năm 1899. Mọi vật liệu để xây hải đăng đều do người Pháp vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.
Trong hơn 100 năm qua, sau khi Hải đăng Kê Gà được xây dựng, nó đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn đường biển ở khu vực này. Với tầm quét sáng là 22 hải lý (tương đương 40km), hải đăng Kê Gà trở thành “ánh lửa dẫn đường” cho mọi thuyền bè qua lại trong khu vực.
Từ trên đài quan sát của hải đăng nhìn xuống, không những được nhìn toàn cảnh mũi Kê Gà, mà du khách còn có thể nhìn ngắm toàn cảnh hòn Bà với vô số phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng ngoạn mục. Những phiến đá to, nhỏ, đủ loại kích thước, hình thù, sắp xếp một cách ngẫu nhiên dưới bàn tay của tạo hóa, vừa tạo nên sự hùng vĩ vừa như nâng đỡ cho ngọn hải đăng Kê Gà vươn xa ra mãi.
7. Bãi biển Hòn Rơm – Mũi Né: Nằm dưới chân núi cùng tên đẹp dịu dàng trầm lắng như mời gọi du khách tìm đến. Nước biển ở đây rất xanh soi bóng Hòn Rơm cùng những đồi cát vàng ống ả. Về Hòn Rơm để lắng nghe lời ru của biển bên dưới những rặng dừa, thao thức cả đêm cùng đốt lửa trại hay theo các ghe câu mực, câu cá trên biển để tận hưởng thú tiêu dao mà thiên nhiên nơi đây ưu ái ban tặng cho con người.
Tới khu du lịch Hòn Rơm có nhiều nơi để bạn chọn làm điểm dừng chân cùng bè bạn; nếu là người trẻ trung, thích không khí sôi động hãy chọn bãi trước; còn nếu là người ưa không gian bình lặng, yên ả thì chọn bãi sau. Thư giãn trên bãi cát hoặc ngâm mình trong nước biển, đùa giỡn cùng những con sóng biển, bạn sẽ thấy người thư thái hơn.
No comments :
Post a Comment