Monday, August 24, 2015

Thương lái Trung Quốc “thâu tóm” thị trường thanh long Bình Thuận

Bài 1: Cài chân rết ở các vựa
BTO -  LTS: Thời gian gần đây, giá thanh long trên thị trường Bình Thuận có nhiều diễn biến bất thường, buổi sáng giá này, buổi chiều giá khác. Sự bất bình thường này làm điêu đứng cả người trồng và người mua, bán thanh long. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Bình Thuận đã tìm ra những chiêu trò “ép giá” của thương lái  Trung Quốc.
 Không phải đến bây giờ thương lái Trung Quốc mới có mặt tại Bình Thuận để mua thanh long. Khoảng 8 năm trước, họ đã đến để đặt hàng, thu mua và làm ăn rất có uy tín, buôn bán sòng phẳng…
Ồ ạt mở vựa thu mua
Là một trong những người đầu tiên xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc, anh T, chủ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn tại Bình Thuận vẫn còn nhớ “cách chơi đẹp” của thương lái Trung Quốc vào những năm 2008 – 2009. “Khi đó, họ qua đây chỉ một hai lần để tìm hiểu thị trường và tìm nguồn cung cấp hàng mà thôi. Còn sau đó hai bên liên hệ buôn bán với nhau qua điện thoại. Muốn mua bao nhiêu thì thương lái Trung Quốc gọi điện báo cho mình và chuyển một phần tiền qua gọi là đặt cọc. Vào mùa chong đèn, tiền cọc mà đối tác phía Trung Quốc chuyển qua có khi đến 2/3 giá trị chuyến hàng. Khi đó đóng thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không sợ bị ép như hiện nay”, anh T cho biết. Nhưng sau này, cả thương lái Trung Quốc và người Việt tham gia buôn bán trái thanh long ngày một nhiều hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng tranh mua, giành bán. Các thương lái Trung Quốc trước đây bắt đầu “tung chiêu” thâu tóm các vựa thanh long.
Quá đuối sức, một cơ sở thanh long tại  huyện Hàm Thuận Nam đang cho thuê lại vựa.
Còn nhớ những năm 2011 – 2012, phong trào mở vựa thanh long phát triển ồ ạt. Có những nông dân trúng vài vụ thanh long chong đèn đã có vốn nên họ bắt đầu mở vựa thu mua. Thậm chí có chủ vựa xuất thân là “cò” thanh long, ít kinh nghiệm buôn bán cũng liều mở vựa.
Vốn không có, họ chấp nhận mang tài sản thế chấp ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, kho lạnh hàng tỉ đồng thu mua thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc. “Thời điểm đó vựa thanh long xuất hiện nhiều đếm không hết. Đi dọc quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam, nơi nào cũng thấy treo biển mua bán thanh long.  Các vựa tranh nhau mua thanh long, mạnh ai nấy làm, có vựa nâng giá để mua cho đủ hàng xuất sang Trung Quốc”, H, một “cò” thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam cho biết.
Bề ngoài, bảng hiệu, nhà xưởng, công nhân, xe cộ vẫn tấp nập. Nhưng thực chất họ không có một chút quyền hành nào trong định giá thanh long, cứ như kiểu “có xác mà không có hồn”…
Vốn ít, không có mối “bạn hàng” bên kia biên giới nên một số vựa thanh long mang hàng ra các cửa khẩu bán lẻ như người dân đi mua mớ rau, con cá. Nếu hôm nào hàng ít, giá cao thì có lời, còn gặp buổi “chợ ế”, giá thấp thì chấp nhận lỗ, thậm chí đổ hàng đánh xe về tay không. Sau một vài chuyến lỗ vốn,  các chủ vựa nhỏ đã “sức cùng lực kiệt” phải chấp nhận phá sản hoặc buông xuôi cho thương lái Trung Quốc thâu tóm.
Có xác… nhưng  không hồn
Để nhanh chóng “hạ gục” hay biến một vựa thanh long nào đó thành “sân sau”, thương lái Trung Quốc thường áp dụng chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian. Số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của vựa đó dẫn đến tâm lý muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để đáp ứng nhu cầu bạn hàng. Nhưng khi chủ vựa đã “dốc hết hầu bao” vào mở rộng sản xuất thì cũng là lúc thương lái Trung Quốc dừng mua, hạ giá với hàng loạt lý do như hàng kém chất lượng, trái cây vào mùa nhiều… Điều này khiến không ít chủ vựa điêu đứng, đóng cửa thì mắc nợ ngân hàng mà tiếp tục thì không biết bán cho ai. Khi đó, chủ vựa chỉ còn hai lựa chọn hoặc bán vựa cho chính thương lái Trung Quốc đã đặt hàng trước đây hoặc chấp nhận làm “vệ tinh” gom hàng. Trong quá trình xâm nhập thực tế tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, người dân ở đây cho biết trên địa bàn xã hiện chỉ còn 2 vựa thanh long là người Việt tự đóng hàng, còn hầu hết các vựa đã cho thuê lại nhà xưởng hoặc bán cho thương lái người Trung Quốc.
Để qua mặt các cơ quan chức năng, thương lái Trung Quốc sau khi mua vựa vẫn để nguyên tên cũ và cũng không làm thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp. Phải thuyết phục mãi, H, mới bật mí cho chúng tôi cách hoạt động của các vựa đã bị thương lái Trung Quốc mua lại. Theo đó, sau khi mua vựa, thương lái Trung Quốc sẽ thuê luôn những chủ vựa trước đây. Một mặt để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, mặt khác là tận dụng các mối bán thanh long mà các vựa đang có. “Thực chất, họ không khác gì người làm thuê, chân rết cho thương lái người Trung Quốc. Muốn mua thanh long ở vườn nào đó, họ phải đưa những “ông chủ” người Trung Quốc đến tận nơi xem hàng, ra giá. Bề ngoài, bảng hiệu, nhà xưởng, công nhân, xe cộ vẫn tấp nập. Nhưng thực chất họ không có một chút quyền hành nào trong định giá thanh long, cứ như kiểu “có xác mà không có hồn”, H cười chua chát. Sau khi khống chế phần lớn các vựa tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc bắt đầu ép giá, khiến phần thiệt thòi trút xuống người nông dân chân lấm tay bùn.
Nhóm phóng viên
http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thuong-lai-trung-quoc-thau-tom-thi-truong-thanh-long-binh-thuan-79070.html

No comments :

Post a Comment