BT- Cứ mỗi độ nước triều rút xuống, hình ảnh các chị, các mẹ mang gùi đi hái rong câu chân vịt đã trở nên rất quen thuộc ở huyện đảo Phú Quý.Tuy dùng đã nhiều lần, song cách thu hái loại thực phẩm này đối với tôi rất mới mẻ và thú vị vô cùng. Mới đây, khi có dịp theo chân những người dân ở thôn Thương Châu (xã Ngũ Phụng) đi hái rong câu tôi mới hiểu được cách mà loại đặc sản này được lấy từ biển khơi như thế nào.
Vì có hình dáng giống những ngón chân con vịt mà loại rong này được gọi tên là rong chân vịt. Tuy nhiên, người dân ở đảo Phú Quý không gọi là rong chân vịt mà họ đặt tên theo cái nơi đã sản sinh ra nó – đá. “Rong này ăn mát và bổ, do mọc trên đá nên gọi là rau đá” – những người dân ở đây chia sẻ một cách ngắn gọn và mộc mạc như vậy.
Vốn là những người con của biển khơi, họ thuộc nằm lòng sự lên xuống của những con sóng, từng hốc đá, từng gành san hô để tìm ra loại rong này. Nghề hái rong tuy đơn giản nhưng lại nguy hiểm. Do mọc ở các hốc đá san hô nên trong quá trình thu hái không cẩn thận dễ trầy xước, trượt chân mà đâm vào mũi đá.
Dụng cụ hái rong chỉ cần cái muỗng canh hay cái dao nhỏ với cái rổ và gùi là đủ cho chuyến thu hoạch sản vật này.
Rong sau khi hái về nhặt bỏ các chất tạp, đất cát rồi rửa sạch, sau đó đem phơi nắng thật khô là có thể dùng được. Dù không phải là nghề chính nhưng nghề hái rau đá lại cho thu nhập không nhỏ. Hiện nay, giá 1kg rau đá khô ở đảo Phú Quý khoảng 800.000 đồng, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, được xếp vào loại thượng hạng, có tiếng trên thị trường nên người tiêu dùng tìm mua rất nhiều.
Qua bao thế hệ nghề hái rong câu đá đã trở thành nét đặc trưng của miền biển mặn Phú Quý.
THÀNH DANH
No comments :
Post a Comment