Friday, September 4, 2015

Bảo tàng Bình Thuận, hơn 15 năm chưa mở cửa

BT- Ra đời từ năm 1998 với tên gọi Phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa. Sau đó, đổi tên và chức năng nhiệm vụ là Bảo tàng Bình Thuận với hơn 55.000 hiện vật, nhưng tất cả vẫn đang chồng chất cất trong kho...
Tượng thần Chăm cổ Avalôkêtesvara.
Qua đồng.
Súng thần công.
Khối cổ vật đồ sộ
Trong “nhà kho” của Bảo tàng Bình Thuận đang lưu giữ  55.500 hiện vật cổ vật với nhiều chủng loại và chất liệu, có loại tính đến nay đã hơn 3.000 năm. Đó là những hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa Thời đại đồ đá mới (còn gọi là Đa Kai), nền văn hóa Chăm pa (cổ, trung đại) và nền văn hóa các dân tộc Bình Thuận.
Trong đó có các cổ vật quý như qua đồng, tượng thần Chăm cổ Avalôkêtesvara, súng thần công, chum đồng, hay một số sưu tập quý hiếm độc bản thuộc cổ vật Sa Huỳnh và Chăm pa mà ngay đến Bảo tàng Quốc gia cũng không có. Ngoài ra, còn có các hiện vật liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và chiếm số lượng lớn là cổ vật khai quật ở biển thuộc các đời Minh, Thanh (Trung Quốc).
Vì sao với một lượng cổ vật lớn và quý như vậy mà gần 20 năm qua người trong tỉnh không hề được biết. Thậm chí, một số người nước ngoài đến Bình Thuận muốn tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển địa phương qua cổ vật cũng đành chịu. Tất cả chỉ vì Bảo tàng Bình Thuận với diện tích nhà đất được cấp như hiện nay, có lẽ là địa phương duy nhất trong toàn quốc vẫn chưa xây dựng được nơi trưng bày. Mặt khác, rải rác trong nhân dân và ở một số nhà trưng bày cá nhân hiện nay, còn có một số cổ vật quý giá khác của Bình Thuận, nhưng Bảo tàng Bình Thuận cũng chưa đủ kinh phí để mua lại.
 Hướng khắc phục
Nếu đem trưng bày cho nhân dân xem số cổ vật khai quật chỉ có ở Bình Thuận, sẽ giúp người dân địa phương, du khách và những ai cần nghiên cứu biết được nguồn gốc và lịch sử của người Bình Thuận từ đâu đến và đến như thế nào, con người trước 3.000 năm sống ra sao. Các cổ vật còn chứng minh nền văn hóa phát triển trước kia mà giờ đây không làm được như qua đồng, chum đồng... sẽ giúp người dân cảm nhận giá trị lịch sử văn hóa của các dân tộc bản địa Bình Thuận.
Với mong muốn đó, Bảo tàng Bình Thuận đang cố gắng khắc phục khó khăn tiến hành các thủ tục cần thiết để đến khoảng tết âm lịch sắp tới sẽ trưng bày ngoài trời lần đầu tiên lần lượt các chuyên đề: Văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh, Văn hóa khảo cổ học Đa Kai, Văn hóa Chăm, Văn hóa các dân tộc thiểu số Bình Thuận, Văn hóa dân tộc Kinh Bình Thuận, các sưu tập cổ vật gốm, sứ khai quật trong tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau và Bình Thuận. Tất nhiên, với một diện tích khá nhỏ hẹp, Bảo tàng Bình Thuận chỉ có thể chọn lựa khoảng 1.000 trong số 55.500 cổ vật hiện có để trưng bày, nhằm giới thiệu với mọi người biết được những giá trị khảo cổ chỉ có ở Bình Thuận.
TRƯƠNG BẠCH TUYẾT

No comments :

Post a Comment