Nói đến du lịch Phan Thiết, người ta thường nghĩ việc di chuyển bằng xe máy, taxi. Tuy nhiên, khám phá thành phố này bằng xe bus lại có những cái thú vị rất riêng…
Trong các thành phố nổi tiếng về du lịch, thì Phan Thiết là nơi chịu khó đầu tư xe bus vào du lịch nhất. Hầu hết các danh lam thắng cảnh ở quanh thành phố Phan Thiết đều có các tuyến xe bus đi qua, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi đi khám phá thành phố biển xinh đẹp này bằng xe bus. Vừa tiện lại vừa rẻ!
Hiện tại, Phan Thiết có 9 tuyến xe bus tất cả. Bạn có thể chọn 4 tuyến xe bus số 1, số 4, 6, 9 để thăm thú những địa điểm nổi tiếng như tháp Poshanư, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, Mũi Né… Giá toàn tuyến của tất cả đều dưới 60 ngàn đồng. Mức giá của từng tuyến tùy theo độ dài ngắn của quãng đường. Ví dụ, nếu bạn đi từ thành phố Phan Thiết đến Mũi Né sẽ tốn khoảng 12 ngàn đồng.
Tuyến số 1 và số 9: Hoạt động từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối
Tuyến số 1: đi từ Tiến Lợi, qua thành phố Phan Thiết rồi đến Mũi Né. Dài 36 km, có 13 xe chạy đối lưu, với tần suất 20 phút/chuyến. Tuyến số 9: đi từ bến xe Nam Phan Thiết, đến Mũi Né, kết thúc tại Suối Nước, nơi có khu du lịch Thiên Trang. Nếu đi 2 tuyến xe này, chúng ta có thể ghé thăm tháp Chàm Poshanư, Hòn Ghềnh, Hòn Rơm, Đồi Cát.
Tháp Chàm Poshanư: Đi khoảng 7 km tính từ thành phố Phan Thiết, sẽ thấy tháp Posanư, còn gọi là tháp Chăm Phố Hài, nằm trên đồi Bà Nài. Nhóm tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ 8 và cuối thế kỷ 9, mục đích đầu tiên là để thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 15, người Chăm xây dựng thêm một vài đền thờ nữa để thờ công chúa Poshanư, người mà họ vô cùng yêu quý.Thế nên, cụm tháp này mới có tên Poshanư.
Đây là cụm tháp còn tương đối nguyên vẹn so với các cụm tháp Chăm khác rải rác khắp Nam Trung Bộ. Nếu có hứng thú với thi ca, bạn nên ghé qua lầu ông Hoàng, gần tháp, nơi ghi dấu mối tình của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử và người đẹp Mộng Cầm.
Bộ ba Hòn Ghềnh – Hòn Rơm – Đồi Cát: Hòn Ghềnh, cách Mũi Né khoảng 1 km dành cho những ai thích ngắm san hô. Có hai cách để đến Hòn Ghềnh, đi theo tour và thuê thuyền ghe của người dân. Nếu muốn tắm biển, bạn hãy đến Hòn Rơm. Hòn Rơm có 17 km đường bờ biển, gồm rất nhiều bãi tắm thơ mộng với nước trong vắt, sóng êm đềm, đặc biệt không có đá ngầm… Nhiều bãi vẫn còn hết sức hoang sơ.
Cách không xa hòn Rơm là Đồi Cát. Đồi Cát vàng rực rỡ là một trong những đặc sản của Phan Thiết. Cát ở đây có tới 18 màu sắc khác nhau. Đồi Cát là chủ đề chính trong nhiều bức ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam từng đoạt giải quốc tế.
Tuyến số 4:
Xuất phát từ thị trấn Phú Long, qua Phan Thiết rồi men theo quốc lộ 1A, dừng lại ở núi Tà Cú. Dài 58 km, có 8 xe đối lưu. Điểm đến đáng chú ý nhất ở tuyến đường này chắc chắn là khu du lịch núi Tà Cú.
Khu du lịch núi Tà Cú: hoạt động ưu thích nhất của du khách khi đến đây là chinh phục đỉnh Tà Cú. Nếu muốn thử thách bản thân, bạn có thể leo 1000 bậc cấp để đến đỉnh. Còn không, bạn có thể đi cáp treo, mất 7 đến 10 phút một lượt. Bởi, ngoài việc có cảm giác thỏa mãn khi chinh phục ngọn núi cao, còn vì phải lên tới đỉnh núi bạn mới có thể tham quan hai ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường thọ và chùa Long Đoàn.
Đáng quan tâm nhất vẫn là di tích “Song lâm thị tích” với pho tượng phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Đông Nam Á, dài 49m, cao 11m. Tượng được khởi công từ năm 1962 và phải gần 4 năm sau mới hoàn thành. Có thể nói, đỉnh núi Tà Cú là một trong những không gian thấm đẫm văn hóa Phật Giáo nhất ở nước ta.
Tuyến số 6:
Khởi hành từ thành phố Phan Thiết, qua Kê Gà và kết thúc ở thị trấn La Gi. Chạy dọc bờ biển, theo đường ĐT 719, có 10 xe đối lưu. Hoạt động từ 5h30 sáng tới 6 giờ tối. Các danh lam nên ghé: vịnh Đá Nhảy, hải đăng Kê Gà, dinh thầy Thím, Hòn Bà..
Vịnh Đá Nhảy: Đây sẽ là một nơi lý tưởng nếu bạn thích chụp hình, thích các bãi hiển hoang sơ và thích… đá. Cứ nhìn những hòn đá muôn hình vạn trạng, nằm ngả nghiêng khách nơi, như thể thiên nhiên đang bày binh, bố trận thì bạn sẽ hiểu vì sao nó có tên là Đá Nhảy. Mỗi khi hoàng hôn xuống, vịnh Đá Nhảy chính là thiên đường ở hạ giới.
Hải đăng Kê Gà: Hải đăng kê Gà cách thành phố Phan Thiết khoảng 30km, được xây đựng vào 2/1897 do một kỹ sư người Pháp tên Snavat thiết kế, là ngọn đèn biển cổ nhất Đông Nam Á, nằm trên đảo Khe Gà. Vì ngọn hải đăng nằm trên rẻo đất nhô ra biển dài khoảng 500m, hình dạng giống đầu gà, nên được gọi là Kê Gà. Muốn ra thăm ngọn hải đăng này, bạn có đi thuyền thúng hoặc tàu từ các resort, khách sạn, hoặc người dân địa phương. Còn muốn nhanh gọn lẹ, không phải đụng tay chân bạn nên đi theo tour.
Hòn Bà: Cách bở biển thị trấn La Gi khoảng 2 km, rộng gần 5000m2. Bạn có thể đến đó để lặng ngắm san hô như các du khách nước ngoài, hoặc nếm trải cảm giác trở thành Robinson. Đảo cực kỳ ít người, không có nước ngọt, sống trên đó trong vài ngày là một thách thức không nhỏ. Kiến trúc đáng chú ý nhất trên đảo là đền thờ nữ thần Thiên Ya Na của người Chăm.
Dinh Thầy Thím: Cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 12 cây, là một quần thể gồm đền thờ và lăng mộ, cách nhau khoảng 2 km. Thờ đôi vợ chồng đạo sỹ người Quảng Nam phiêu bạt đến đây, góp rất nhiều công sức xây dựng vùng quê này. Đây là một trong những đền thờ linh thiêng nhất ở tỉnh Bình Thuận. Tới ngày lễ tết, chúng ta không chỉ thấy con dân tỉnh Bình Thuận về đây cúng bái mà còn các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương….
Từ thị xã La Gi, bạn còn thể sử dụng tuyến xe số 7 về suối nước nóng Bình Châu để nghỉ dưỡng.
No comments :
Post a Comment