Wednesday, September 9, 2015

Bánh trung thu - góc nhìn về an toàn thực phẩm

BT- Hàng năm cứ đến tháng 7 âm lịch là người ta bắt đầu bày bán bánh trung thu. Đây là dịp để người người mua bánh trung thu dâng cúng tổ tiên, biếu ông bà, thầy cô, bạn bè... Nhưng mua bánh trung thu như thế nào để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Ảnh minh họa
 Để có bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất bánh cần hội đủ các điều kiện như: địa điểm, môi trường, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ sản xuất… phải đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt nguyên liệu thực phẩm dùng để làm bánh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, chịu trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Nhà sản xuất, kinh doanh phải đầu tư thật sự về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân công trực tiếp sản xuất phải đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng một cách tự giác, thường xuyên.
Hiện nay, thị trường bánh trung thu rất đa dạng từ bánh dẻo, bánh đậu xanh cho đến bánh nhân thập cẩm: nào gà quay, lạp xưởng, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng, khoai môn… đến đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, rau câu, táo tàu, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, mè và một số loại bánh chay, bánh cho người ăn kiêng: tiểu đường, thừa cân béo phì và có rất nhiều nguyên liệu thực phẩm từ các loại bột cho đến các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh. Đặc biệt được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình. Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tả, lỵ, thương hàn...), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu...). Rồi điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa các “tác nhân” gây ô nhiễm cho bánh.
Bánh trung thu không thể bảo quản lâu dài (hạn sử dụng chỉ 1 - 2 tháng), thời gian Tết Trung thu rất ngắn, nhưng vì lợi nhuận nhiều nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, chất lượng nguyên liệu để sản xuất, khai thác nguồn hàng để kinh doanh. Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thị trường bánh trung thu, người tiêu dùng là nhân tố quan trọng có tính quyết định. Việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn cơ sở kinh doanh bánh và sử dụng bánh, người tiêu dùng góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh bánh trung thu trên thị trường thông qua quyền “giám sát” và quyền “tẩy chay” sản phẩm.
Chọn mua bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm theo những tiêu chí sau:
 -  Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
- Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
- Sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
- Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
- Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Nguyễn Văn Thành

No comments :

Post a Comment