Friday, August 28, 2015

Xâm phạm lãnh hải nước ngoài, đánh cá: Canh bạc may ít rủi nhiều

BT - “Việt Nam lấy làm quan ngại về việc Indonesia đánh chìm các tàu cá”, những lời ấy làm tai Huỳnh Thị Lệ My, ngụ tại khu phố 8, phường Phước Hội (thị xã La Gi) cảm thấy lùng bùng. Trước mặt chị, Đài Truyền hình Việt Nam đang phát đi bản tin tối, trong đó  nhắc lại lời của một quan chức   Bộ Ngoại giao nước ta trước việc Indonesia cho nổ những chiếc tàu cá xâm phạm lãnh hải, đánh cá trái phép sau khi có lệnh của tòa án nước họ.
Trần Minh Tú, thuyền viên của tàu BTH -96782-TS được Indonesia thả về và Trần Mai Tâm chủ của 2 con tàu.
Thuyền bị đánh đắm, người bị giam
 Ngồi một mình trong căn nhà một mái lợp tôn, mắt nhìn lên màn hình, song trí não người phụ nữ sinh năm 1974 lại hướng về người đàn ông cùng năm sinh là chồng chị đang ở Indonesia. Thẫn thờ kéo dài cho đến lúc kết thúc bản tin, người phụ nữ ấy bật lên tiếng kêu “anh ơi” rồi nước mắt cứ trào ra  khóe mi!
Ngày 18/8 Indonesia tiếp tục đánh chìm 34 tàu cá nước ngoài với cáo buộc đánh bắt trái phép trong hải phận nước này. Theo AFP, 34 tàu này là của ngư dân các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Người phụ nữ nhớ rất rõ vào đầu tháng 4/2013, Nguyễn Văn Hương, chồng  chị đang  ở nhà chờ việc thì được ông Dương Văn Mười, chủ tàu cá BTH- 96751- TS  ở Phú Hài (Phan Thiết) thuê làm tài công đi đánh bắt xa bờ. 8 ngày sau, có tin  Hương và toàn bộ lao động trên tàu cá bị tàu tuần duyên của Indonesia bắt khi đang đánh cá tại một hòn đảo của nước họ.  Vì là tài công, Hương bị Indonesia giam trong nhiều tháng trước khi đưa ra tòa, kết án 4 năm 6 tháng, rồi giam tại trại 18 đảo Tân Dung Bi. Từ ngày chồng ngồi tù, Lệ My gởi đơn đi nhiều nơi, kể cả Bộ Ngoại giao Việt Nam rồi được Cục Lãnh sự trả lời bằng Công văn số 2266/CV-LS-BHCD, ngày 20/7/2014, đại ý: “Trong thời gian gần đây nhiều thuyền của Việt Nam  cố ý vào sâu trong vùng biển của Indonesia đánh bắt hải sản quý hiếm. Phía Indonesia cho biết, họ không xem xét các đơn xin giảm án của các công dân Việt Nam nhằm thực hiện bảo vệ nguồn lợi hải sản của nước họ…”.
Điều ấy gián tiếp cho biết: Chồng Lệ My chỉ trở về vào năm 2017, sau khi hết hạn giam giữ. Vắng chồng, Lệ My phải làm thuê nuôi con. Công việc của chị hàng ngày là dùng kéo cắt các chân ghẹ ra để thu thịt. Mỗi kg thịt ghẹ được trả công 30.000 đồng. Mỗi ngày làm cật lực được 2,5 - 3 kg, thu nhập chỉ non 100.000 đồng. “Mấy tháng đầu tiên em vay mượn để gởi cho chồng 100 USD mỗi tháng để ảnh mua sắm lặt vặt và 20 USD cho người chuyển tiền sang Indonesia” - Lệ My than thở.  Lo nhiều, cuộc sống thiếu thốn, người phụ nữ già đi trông thấy. Chị nói với sự dứt khoát khi tiễn chúng tôi, những người đến thăm  chị ra cửa: “Lần này ổng về, em dứt khoát không cho đi nữa. Đánh bắt ở nước mình, đói khổ có nhau vẫn hơn”.
Tàu cá bị nổ tung.
Huỳnh Thị Lệ My chỉ là một trong nhiều  trường hợp có  người thân xâm phạm lãnh hải nước ngoài để đánh bắt cá và bị họ bắt giữ. Một danh sách do Phòng Kinh tế thị xã La Gi cung cấp vào tháng 7 năm nay cho hay: Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, thị xã có 8 tàu cá với 67 lao động bị nước ngoài bắt. Số ngư dân và tàu cá nói trên tập trung ở phường Phước Hội và Phước Lộc. Trong đó,  4 tàu cá với 34 lao động bị  Indonesia bắt và 4 tàu với 33 lao động bị Malaysia bắt. Đó là tàu cá BTh-96565-TS, chủ tàu Nguyễn Xuân Hoàng, ngụ tại khu phố 1 - Phước Lộc, hành nghề câu khơi bị Indonesia bắt ngày 29/3/2014, có 6 trong số 7 thuyền viên được thả về; tàu BTh-96272-TS, chủ tàu Trần Thanh Phương, khu phố 7, Phước Hội, bị Malaysia bắt ngày 3/5/2014 và 7 thuyền viên được thả về, còn tài công vừa là chủ tàu bị kêu án 9 tháng tù mới thả gần đây; tàu BTh-98915-TS, chủ tàu Nguyễn Tâm,  khu phố 8, Phước Hội  bị Malaysia bắt ngày 22/4/2014, có 10 thuyền viên được thả về; tàu BTh-85829-TS, chủ tàu Nguyễn Thị Hồng Linh, xã Tân Phước, Malaysia bắt ngày 22/7/2014, có 7 thuyền viên được thả về; tàu  BTh-98092-TS, chủ tàu Nguyễn Thị Kiều Hương, khu phố 7, Phước Hội, Indonesia  bắt ngày 22/1/2015,  có 9 trong số 10 thuyền viên được thả về... Có trường hợp, một người làm chủ 2 con tàu và đều bị bắt trong một ngày. Đó là  tàu BTH -96782-TS và BTh-96783-TS do bà Trần Mai Tâm, một phụ nữ 40 tuổi, ngụ tại  khu phố 7, phường Phước Hội, làm chủ. Vào giữa tháng 1/2015, 2 con tàu này rời cảng cá La Gi với 17 người là tài công và lao động biển. Đa số họ là  họ hàng, người thân của bà Tâm. Đến ngày 22/1/2015, đang lúc đánh bắt tại một hòn đảo của Indonesia thì bị trực thăng tuần duyên phát hiện, sau đó tàu cảnh sát biển kéo đến. Phía Indonesia kéo 2 chiếc tàu của bà Tâm vào gần bờ,  thanh lọc lao động. 15 người được thả về sau đó, còn 2 tài công bị giam giữ, trong đó có chồng bà Mai Tâm là ông Trần Ngọc Khoái. “Sau khi bị đưa lên đất liền, muốn đi đâu cũng không được. Tù túng lắm. Đến bữa được phát một ít cơm với cá khô. Ai có người thân bên nước mình gởi tiền qua thì đỡ, còn không… khổ lắm...”, Trần Minh Tú, 24 tuổi, cháu của bà Tâm đi trên con tàu đánh bắt cá BTH -96782-TS, được Indonesia thả về,  nói với chúng tôi khi chúng tôi ngỏ ý chụp hình anh. Lời nói của Minh Tú vô tình xát muối vào tim của bà Trần Mai Tâm ngồi bên cạnh. Khuôn mặt người phụ nữ trở nên đờ đẫn trong khung hình của máy chúng tôi. Đó là giây phút mà tình vợ chồng và nỗi xót xa trào dâng, nỗi lo không biết đến khi nào vợ chồng đoàn tụ, cũng như ở nơi xa xôi ấy sức khỏe của chồng thế nào? Là người theo đạo công giáo, bà Mai Tâm đêm nào cũng cầu nguyện ơn trên cho chồng bà sớm về.
Liều vì mộng làm giàu
Có một số lý do mà những người có tàu bị bắt giải thích vì sao họ phải  đi xa, xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực?  Lý do nêu lên đầu tiên là ngư trường  biển Việt Nam cạn kiệt. Đánh bắt xa bờ, đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, dù có được Chính phủ bù đắp chi phí dầu, song không phải lúc nào cũng bù được phí tổn… chưa kể một số bất trắc khác. Vì vậy, họ chọn con đường đi xa, tìm đến vùng biển của nước ngoài. Theo một người trong giới chuyên mua hải đặc sản của tàu câu khơi cho hay: Sau một chuyến đi khoảng 15 ngày, nếu thuận lợi, chủ tàu thu nhập trên 250 triệu đồng, còn lao động được trên 20 triệu đồng. Cứ 3 chuyến thuận lợi thì có thể bù cho 1 chuyến mất. Điều này giải thích vì sao một vài người, sau khi được nước ngoài thả về lại mua tàu quay lại đi biển và lại đi xa. Trường hợp của Trần Thanh Phương,  khu phố 7, Phước Hội là ví dụ. Tháng 4/2015, được Malaysia cho về nước, tháng 6, Trần Thanh Phương lại mua tàu đã qua sử dụng để đi câu khơi. Mỗi chuyến đi như vậy dài hơn nửa tháng và theo người nhà của người đàn ông này: “Bước đầu  tạm ổn”. Trước đây vài năm, lao động biển còn ham muốn đi trên tàu câu khơi, song gần đây, khi nước ngoài tăng cường tàu tuần duyên, sẵn sàng vây bắt, đốt tàu, bắt người, giam giữ có thời hạn  thì lao động câu khơi trở nên ngại ngần khi bước xuống thuyền. Tàu câu khơi rất khó tìm thuyền viên, tìm người lái tàu. Những thuyền viên đi trên tàu câu hiện nay, ngoài việc ứng trước một số tiền để họ để lại nhà, còn yêu cầu  nếu họ bị bắt thì chủ tàu phải nuôi vợ con họ. Vì vậy nảy sinh xu hướng  là người sắm tàu câu khơi thì sẽ gọi người trong họ hàng để cùng đi với nhau (2 chiếc tàu của bà Mai Tâm), hoặc là trả công thật cao để đánh vào lòng ham muốn của lao động, hoặc đi xa tìm  người lái tàu (trường hợp của chồng Huỳnh Thị Lệ My).
Làm gì?
Bà Phùng Thị Thọ, Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho hay: Thị xã đã làm hết sức để triển khai Chỉ thị 689/CT-TTg 18/5/2010 của Chính phủ về một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. UBND các phường, xã, Đồn Biên phòng Phước Lộc, Công an đã thông qua một số tổ chức để giải thích, làm cho ngư dân nắm vững các công ước quốc tế và quy định về Luật Biển của các quốc gia lân cận, quy định đến xử phạt vi phạm hành chính khi tàu cá nước ngoài vi phạm, quy định về hợp tác khai thác trên biển.
Hàng năm đều có ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà Thọ không khỏi lo ngại trước một thực tế nguồn lợi hải sản ở biển nước ta giảm sút, nên hiệu quả sản xuất thấp, thua lỗ; đời sống của một bộ phận ngư dân không ổn định. Trong khi đó, nguồn lợi hải sản tại vùng biển các nước tiếp giáp còn phong phú, thuận lợi cho việc khai thác, dẫn đến các ngư dân đã cố tình vi phạm chủ quyền vùng biển các nước láng giềng. Mặc dù các nước này xử phạt rất nặng, tàu thuyền, ngư lưới cụ bị tịch thu toàn bộ, thuyền trưởng bị phạt tù, thuyền viên thì bị phạt tiền hoặc bị đưa đi lao động công ích nếu không có tiền nộp phạt, nhưng ngư dân vẫn cứ liều vì lợi ích cá nhân. Bà Thọ mong muốn, cùng với việc tuyên truyền ngư dân không nên xâm phạm lãnh hải, chủ quyền vùng biển của nước ngoài để đánh bắt thì trong nước ra sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nên nghiêm cấm và xử phạt nặng tàu thuyền đánh bắt sai quy định về mùa vụ, cũng như các loại phương tiện hủy diệt môi trường, môi sinh và một số loài thủy hải sản. Một khi nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, những con thuyền đi khơi đánh bắt có hiệu quả thì số vụ vi phạm các loại trên biển, tất nhiên sẽ giảm xuống.          
Hà Thanh Tú

No comments :

Post a Comment