Friday, August 28, 2015

Vượt lên nghịch cảnh

Hai chị em ruột
Sinh năm 1996, Lê Thị Lộc, 3 năm liền là học sinh giỏi Trường THPT Tánh Linh, niên khóa (2010 – 2013). Nhà nghèo, đông anh chị em, phải vất vả phụ giúp ba mẹ ở thôn Đa Mi, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, nhưng Lộc lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Cứ tưởng nụ cười ấy sẽ luôn rạng rỡ trên gương mặt em, nhưng nào ngờ tai họa ập đến. Từ những cơn đau đầu dữ dội, liên tục, mắt Lộc mờ dần, mờ dần rồi  chỉ còn là bóng tối. Vật vã cơn đau  triền miên, có lúc Lộc muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi thông qua sự giới thiệu của người quen, Lộc tìm đến mái ấm khiếm thị Bừng Sáng – Phan Thiết. Hiện Lộc đang học chữ nổi để sử dụng máy tính, học nghề massage, giác hơi và đã được cấp giấy chứng nhận.
Nhỏ hơn chị 2 tuổi, Lê Ngọc (SN 1998) hiện là học sinh lớp 12C8 năm học 2015 - 2016. Cuối  năm học 2013 - 2014, trong buổi lễ tổng kết năm học, Ngọc vinh dự  đạt giải nhì cuộc thi “Chắp cánh ước mơ” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP. HCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận  và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức. Trong bài dự thi của mình, Ngọc đã chia sẻ: Mong ước được trở thành kỹ sư nông nghiệp, làm việc và phục vụ ngay chính trên đất quê nhà Đa Mi. Ngọn lửa mong ước vừa mới nhen lên đã suýt tắt, khi Ngọc đi khám bệnh và các bác sĩ phát hiện Ngọc bị ung thư hốc mũi và phải tiến hành xạ trị 33 tia trong thời gian khoảng 6 tuần.
Khi êkip chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận tìm đến Đa Mi để làm chương trình về Ngọc thì em cũng từ Bệnh viện Ung Bướu về đến nhà chiều hôm trước.
Từ nhà đến Trường THPT Tánh Linh gần 40 km, nên Ngọc ở trọ gần trường, vài tháng mới về nhà một lần. Vào gần đến nhà Ngọc, chúng tôi gặp Ngọc da xanh xao, gầy còm, nhưng Ngọc vẫn cố gắng cười khi trò chuyện. Hình như đây là điểm giống nhau của hai chị em Ngọc, lúc nào cũng lạc quan. Khi được hỏi có lo lắng cho đợt xạ trị sắp tới không, Ngọc trả lời, em chỉ lo đợt điều trị kéo dài, không theo kịp bài vở, năm nay có những kỳ thi quan trọng… Chúc Ngọc may mắn, điều trị thành công để viết tiếp ước mơ của mình.
Tân sinh viên đại học cảnh sát
Nhà nghèo, vừa lên lớp 8 thì ba mất (năm 2010), mẹ Đức phải làm thuê nuôi ba anh em đi học. Hai năm sau khi ba mất, Đức lên lớp 10, em gái lớp 9 và đứa em út mới 4 tuổi, mẹ Đức lại bệnh u xơ tử cung. Hoàn cảnh thật sự quá khó khăn, tưởng chừng phải bỏ dở việc học nửa chừng, nhưng khát khao tiếp tục đến trường như ngọn lửa đã bùng cháy trong Đức. 3 năm ở Trường THPT Tánh Linh, Đức đều  nhận các suất học bổng của tỉnh, Báo Tuổi trẻ, Trung tâm Thiện Chí Tánh Linh, Trường, Hội Khuyến học, Hội Cha mẹ học sinh khen thưởng…
Sáng 19/8, khi chúng tôi theo êkip làm chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận đến Đức Thuận để gặp Đức, thì Đức và mẹ đi cạo mủ cao su thuê chưa về. Đoạn đường từ nhà Đức đến rẫy cao su để cạo thuê gần 15 km, hai mẹ con đi từ lúc 12 giờ đêm, cạo đến 5giờ sáng thì xong, canh trút mủ đến gần 10 giờ. Một đêm cạo được 2ha, khoảng 1.100 cây, tiền công cạo là 110.000 đồng. Đức xúc động nói: Em đi phụ với mẹ được vài bữa nữa thôi vì em sắp phải nhập học rồi, mẹ lại vất vả một mình…
Cùng với Lê Ngọc, Phạm Văn Đức sẽ có mặt tham gia chương trình “Tiếp nhận ủng hộ quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường” và  trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học năm 2015” tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và truyền hình trực tiếp trên kênh BTV Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận vào lúc 20 giờ thứ sáu, ngày 28/8/2015.
Với tổng điểm khối A 26 điểm (chưa cộng điểm vùng ưu tiên 1,5 điểm), Đức trúng tuyển vào Trường Đại học Cảnh sát TP. HCM.
Võ Thị Bích Phượng

No comments :

Post a Comment